Nghề giáo - Nghề nguy hiểm ở Myanmar

GD&TĐ - Tại những khu vực xảy ra xung đột ở Myanmar, nghề giáo đang trở thành nghề nguy hiểm. Nhiều giáo viên sẵn sàng bỏ dạy nếu bị điều động tới khu vực thiếu an ninh. Tình trạng mất cân bằng giới trong đội ngũ giáo viên đã xuất hiện khi giáo viên nam được điều động thay thế giáo viên nữ ồ ạt…

Nghề giáo - Nghề nguy hiểm ở Myanmar

Mắc kẹt giữa xung đột

Làm việc trong trường học đã trở thành nghề nguy hiểm tại một số khu vực nhất định ở Myanmar, như khu vực xung đột tại các bang Kachin hay Rakhine. Mất an ninh dẫn tới sợ hãi, khó điều động giáo viên, gián đoạn giáo dục và mất cân bằng giới trong đội ngũ giáo viên tại những khu vực này.

“Tôi nghe rõ mồn một tiếng nói chuyện của những phần tử tấn công, họ ở rất gần tôi. Tôi không biết họ đến từ đâu” – Daw Hnin Hmone, một giáo viên Trường THPT Ka Mauk Seint, thị trấn Maungdaw, kể về ngày mà những kẻ tấn công đột kích vào ngôi làng hôm 25/8 tại Rakhine. Daw đã nín thở ẩn nấp cùng nữ sinh và những phụ nữ lớn tuổi suốt cả ngày trong một căn phòng kín với cảm giác vô cùng sợ hãi.

Giữa làn sóng xung đột đẫm máu, nhiều giáo viên vẫn mắc kẹt tại khu vực phía Bắc Rakhine, sống chung với dân làng tại các đồn cảnh sát.

Theo các giáo viên, trong tình huống khẩn nguy, nhà chức trách đã trì hoãn việc giải cứu nhân viên giáo dục. “Không có động thái giải cứu nào trong khi chúng tôi sốt ruột chờ đợi” – U Min Kyaw Htay, người mắc kẹt giữa các vụ tấn công trong 10 ngày cho biết.

U Min Kyaw Htay là Hiệu trưởng Trường THPT Kyein Chaung, nằm tại Maungdaw. U Min chuyển tới khu vực này năm 2010 và đã chứng kiến xung đột bùng phát 3 lần trong thời gian từ đó đến nay, trong đó có cuộc xung đột giữa năm 2012 dẫn tới cái chết của một hiệu trưởng trường tiểu học và đóng cửa nhiều trường học trong gần 3 tháng.

Mặc dù rất yêu nghề nhưng U Min chia sẻ, những lần mắc kẹt giữa cuộc xung đột là lại có ý nghĩ nghiêm túc về chuyện bỏ nghề.

Lấp thiếu hụt bằng giáo viên nam 

Sau những vụ tấn công tháng 10/2016, nhiều giáo viên nam được điều tới thay thế giáo viên nữ. Trong tháng 12/2016, hơn 500 giáo viên nam được điều tới dạy tiểu học tại khu vực có xung đột.

Tuy nhiên không có sự thay thế giáo viên nam ở cấp trung học. “Chúng tôi không thể thay thế giáo viên nam cho cấp THCS và THPT bởi không có giáo viên nam đủ bằng cấp dạy cấp học này” – U Aung Kyaw Tun, cán bộ Sở Giáo dục bang Rakhine, cho biết.

Liên đoàn Giáo viên Myanmar đã phát đi tuyên bố vào ngày 13/9, yêu cầu không điều động giáo viên tới khu vực nguy hiểm khi mà tình hình chưa an toàn trở lại.

Liên đoàn yêu cầu bảo đảm an ninh tối đa cho giáo viên trong trường hợp Sở Giáo dục đề nghị giáo viên tiếp tục giảng dạy. Nhiều giáo viên do dự và sẵn sàng bỏ việc trước yêu cầu làm việc lại hoặc nhận công việc tại khu vực xung đột.

Chính phủ Myanmar cũng đã có những nỗ lực cải thiện an ninh cho giáo viên và giáo dục nói chung tại những khu vực ảnh hưởng. Từ 426 trường đóng cửa do các vụ tấn công, 16 trường tại Maungdaw, 20 trường tại Buthidaung và 9 trường tại thị trấn Rathedaung đã mở cửa trở lại cuối tháng 9.

Bộ Giáo dục cũng lên kế hoạch hỗ trợ giáo viên và học sinh đã trải qua xung đột, như tăng cường bảo đảm an ninh và mở các chương trình tư vấn sức khỏe tâm thần dành cho họ.

Làn sóng bạo lực nổ ra tại Rakhine từ ngày 25/8 khi những phần tử Hồi giáo thuộc cộng đồng người Rohingya thiểu số tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang Rakhine buộc chính phủ phải triển khai các chiến dịch an ninh. Xung đột khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ