Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.
Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Loài cá “kỳ lạ nhất hành tinh”

Cá thòi lòi là sinh vật lưỡng cư, sinh sống phổ biến ở đất bãi bồi dưới những tán rừng ngập mặn.

Tại Cà Mau, loài cá này tập trung nhiều nhất ở khu vực bãi bồi Đất Mũi (Ngọc Hiển). Ngoài lớp da xù xì, loài cá này còn có cái miệng đầy răng nhọn và hai mắt lồi to như hai hòn bi trên chóp đầu, trông rất dị hợm. Có lẽ vì đặc điểm này mà chúng được đặt tên là cá thòi lòi.

nghe-doc-la-vung-dat-mui-2.jpg
Cá thòi lòi với điểm đặc trưng là 2 mắt lồi to như 2 hòn bi.

Cá thòi lòi sinh sản quanh năm, nhưng cao điểm nhất là từ tháng 2 - 6 âm lịch. Đây cũng là thời điểm săn cá được nhiều nhất. Tuy cá thòi lòi có hình dáng kỳ quái nhưng thịt cá rất chắc và ngọt. Cá thòi lòi có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như kho tộ, canh chua cơm mẻ, nướng muối ớt hoặc làm khô chấm mắm me.

Năm 2020, “Cá thòi lòi Đất Mũi - Cà Mau” được công nhận nhãn hiệu tập thể, trở thành đặc sản huyện Ngọc Hiển. Cá không chỉ được tiêu thụ mạnh ở địa phương, mà còn được bán đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời xuất ngoại theo đường tiểu ngạch.

Bình quân hàng năm người dân, các cơ sở kinh doanh ở Ngọc Hiển cung ứng ra thị trường khoảng vài chục tấn thành phẩm từ cá thòi lòi.

Cá thòi lòi thở bằng phổi và mang. Cơ thể có thể trữ nước trong mang để hô hấp khi lên cạn, trao đổi khí qua da như ếch. Cá có hai vây trước làm nhiệm vụ của một “đôi tay”. Nhờ những cấu tạo đặc biệt của cơ thể mà cá thòi lòi có thể di chuyển linh hoạt trên bùn và bơi lội trên sông.

Đặc biệt, loài cá này còn có khả năng leo trèo trên cây và chạy nhảy một cách rất điêu luyện. Đây cũng là lý do người dân còn gọi cá thòi lòi với những cái tên khác như cá leo cây hay cá đi bộ.

Nhờ những đặc điểm nổi bật, khác lạ kể trên, cá thòi lòi đã được Tổ chức Sinh vật thế giới xếp vào 1 trong 6 loài vật “kỳ lạ nhất hành tinh” (cùng với cá cóc, chó chăn cừu hung, heo vòi, thỏ Angora và khỉ hoàng đế).

Cá thòi lòi rất tinh ranh và nhanh nhẹn trong việc trốn thoát trước sự tấn công của kẻ thù. Loài vật này thường trú ẩn dưới hang sâu ngập nước với nhiều ngóc ngách.

Thông thường, khi nước lớn chúng sẽ ra ngoài kiếm ăn và khi nước ròng sẽ chui vào hang trú ẩn. Đôi khi, người ta nhìn thấy cá thòi lòi nằm bất động, phơi mình dưới nắng trên bãi bồi hoặc dưới những tán cây. Thế nhưng chỉ cần có tiếng động là chúng sẽ nhanh chóng di chuyển bằng cách bò, lặn, bơi, nhảy nhanh nhất có thể.

Dù tinh ranh như vậy nhưng người dân Cà Mau không hề gặp khó trong việc săn bắt chúng. Vào ban ngày, người dân thường thụt hang (đào hang) hoặc cắm câu để bắt cá. Còn vào ban đêm, khi phát hiện cá nằm trên bãi bồi, người dân sẽ soi đèn trực diện vào mắt cá. Khi bị soi đèn, cá sẽ nằm im bất động.

Tuy nhiên, việc bắt cá phổ biến và hiệu quả nhất là dùng xà di đặt vào miệng hang (một loại bẫy hình dáng như chiếc lọp được người dân Cà Mau tạo ra để bắt cá thòi lòi).

Ông Nguyễn Minh Trí (Tân Ân Tây, Ngọc Hiển), người có nhiều năm hành nghề bắt cá thòi lòi, cho biết: Việc bắt cá bằng xà di giúp giữ cá ở trạng thái tươi sống, để lâu được và bán được giá cao hơn.

“Khi nước ròng lồi miệng hang, người bắt cá sẽ sử dụng bẫy xà di đặt sát miệng hang và đợi tầm 15 đến 30 phút, cá chui ra ngoài hang để thở hoặc kiếm ăn sẽ lọt vào xà di. Do thiết kế của dụng cụ này khá đặc biệt nên con cá có thể dễ dàng phi vào trong nhưng không thể chui ngược ra được.

Thao tác đánh bắt nghe tuy đơn giản nhưng để bắt được nhiều cá còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người. Người bắt phải có kinh nghiệm nhận biết miệng hang của cá thòi lòi và nhận định hang còn cá hay không”, ông Trí giải thích.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề săn cá thòi lòi, ông Nguyễn Văn Yên (Đất Mũi, Ngọc Hiển) chia sẻ thêm trước đây, người dân thường làm xà di bằng lá dừa nước kết lại với nhau. Loại xà di này có hình chóp nón, khá nặng, cồng kềnh, khó di chuyển trong rừng. Vì thế, về sau những người săn cá đã nghiên cứu, sáng tạo ra xà di lưới.

“Xà di lưới có miệng tròn, khoanh bằng dây chì hoặc ống cao su dẻo, đường kính từ 25 - 30 cm, dài khoảng 70 cm. Phần lưới cũng kết theo hình chóp, được buộc chắc chắn ở đầu trên, khiến cá chui vào thì dễ nhưng khó thoát ra. Nhờ sự gọn, nhẹ, người dân có thể mang cùng lúc nhiều xà di đi bắt cá”, ông Yên nói.

Chia sẻ về thu nhập từ nghề săn cá thòi lòi, ông Nguyễn Văn Yên cho biết nhiều năm trước, ít người biết ăn cá thòi lòi nên giá trị kinh tế loài cá này mang lại không cao. Tuy nhiên, từ khi cá thòi lòi được nhận diện là đặc sản của vùng Đất Mũi thì giá trị bắt đầu tăng lên. Số người hành nghề săn cá thòi lòi cũng ngày càng đông. Vì thế, sản lượng cá trong tự nhiên giảm nhiều so với trước.

“Gia đình tôi có hơn 200 cái xà di, mỗi ngày bẫy được khoảng 5 - 7 kg cá thòi lòi, hôm nào trúng thì được khoảng 10 kg. Cá lớn tôi bán cho nhà hàng, quán ăn phục vụ khách du lịch, cá nhỏ thì bán cho các hộ nuôi cá. Giá bán tùy theo kích cỡ, dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Dù sản lượng khai thác không bằng lúc trước nhưng cũng giúp gia đình đủ để trang trải chi tiêu”, ông Yên nói.

nghe-doc-la-vung-dat-mui-1.jpg
Người dân vào rừng săn cá thòi lòi.

Thú vui săn chù ụ

Chù ụ là một loài giáp xác, thuộc họ nhà cua, có bề ngoài khá giống với ba khía. Tuy nhiên, loài vật này có kích thước lớn hơn một chút, di chuyển chậm chạp, không linh hoạt như ba khía.

Chù ụ trưởng thành thường có trọng lượng dao động từ 100 - 150g. Đặc biệt, phần mai của chù ụ xù xì, nhiều gai và đầy đặn hơn mai ba khía. Phần mai sần sùi, gồ ghề và đôi mắt lờ đờ của chúng khiến người ta liên tưởng đến khuôn mặt buồn bã, ủ dột. Có lẽ vì thế mà chúng được gọi là chù ụ hay “cua mặt sầu”. Một đặc điểm nữa để nhận dạng chù ụ là chúng có cặp càng lớn màu đỏ ở phía trước.

Loài vật này thường sinh sống ở khu vực bãi bồi, dưới những tán rừng ngập mặn. Chù ụ rất giỏi đào hang. Hang của chúng thường có hình tròn, nhô cao hơn vài tấc so với mặt đất để thở khi mực nước thủy triều cao và có nhiều ngõ ngách để dễ dàng lẩn trốn. Do chù ụ thường ẩn mình trong hang nên việc săn bắt chúng không dễ.

Người dân thường phải đi sâu vào trong rừng soi đèn, dùng bao tay dày để tránh bị càng chù ụ kẹp. Đối với những con nằm sâu trong hang, người dân còn phải đào hang để bắt chúng. Một số người cũng chọn bắt chù ụ bằng cách đặt rập (dạng giống rập chuột).

nghe-doc-la-vung-dat-mui-7.jpg
Những chiếc bẫy chù ụ.
nghe-doc-la-vung-dat-mui-8.jpg
Mỗi ngày người dân kiếm được khoảng vài trăm ngàn từ việc săn bắt chù ụ.

Gia đình chị Nguyễn Tuyết Lộc (Tam Giang, Năm Căn) có 10 ha đất nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng rừng. Chị Lộc cho biết thường đặt rập để bắt chù ụ bán kiếm thêm thu nhập.

“Bắt chù ụ bằng rập không khó, chỉ cần lấy rập chuột cải tiến lại chút ít cho phù hợp, bỏ vào trong đó lá cây đước hoặc lá cây mắm làm mồi, rồi đặt rập gần miệng hang. Sau khi đặt liên tiếp nhiều ngày thì phải đổi địa điểm mới bắt được nhiều chù ụ.

Thời điểm thích hợp đặt bẫy là lúc trời hửng nắng, không mưa. Nếu có mưa, nước sẽ ngập các hang chù ụ hoặc sẽ làm mất dấu chù ụ bò vô hang, khó xác định được miệng hang nào chù ụ hay ra vào để đặt bẫy”, chị Lộc chia sẻ kinh nghiệm.

Cùng quê với chị Lộc, ông Châu Văn Mười cho biết, bắt chù ụ là công việc phụ để kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi của nhiều hộ dân ở đây. Riêng đối với những người không có đất sản xuất, công việc ổn định thì bắt chù ụ lại là việc chính.

“Mình có thể mua dụng cụ về nhà tự làm rập để đặt hoặc mua rập chuột ở chợ về cải tiến lại. Không muốn bỏ tiền mua rập, mình cũng có thể bắt bằng cách soi đèn ban đêm hoặc đào hang nhưng cách này cực hơn nhiều. Nếu chịu khó, một người có thể đặt từ 100 - 300 cái rập mỗi ngày, bắt được khoảng 10 kg chù ụ, thu về từ 500.000 - 600.000 đồng”, ông Mười thông tin.

Chù ụ sinh sản quanh năm nhưng vào khoảng tháng 9 - 12 âm lịch, chúng béo chắc, có nhiều gạch hơn. So với ba khía, gạch chù ụ béo, thịt chắc, thơm hơn. Đặc biệt, vỏ chù ụ rất giòn, nên khi ăn có thể nhai luôn nguyên vỏ. Chù ụ thường được chế biến thành nhiều món ăn nhưng ngon nhất là rang me, rang muối, luộc nước dừa, nướng muối ớt...

nghe-doc-la-vung-dat-mui-6.jpg
Chù ụ có phần mai xù xì và càng to màu đỏ.

Theo kinh nghiệm của người săn chù ụ, loài vật này rất hung dữ nên sau khi bắt về phải bỏ ngay vào nước đá để gây tê, tránh chúng kẹp nhau gây gãy càng, làm giảm giá trị thương phẩm.

Người dân thường bán chù ụ sống cho các thương lái thu mua tại địa phương. Sau khi rửa sạch, chù ụ được vận chuyển đi các tỉnh, chủ yếu là TPHCM bằng cách muối đá hoặc làm mắm. Thời điểm hút hàng, giá chù ụ sống được thương lái thu mua tại vựa với giá từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.