Dạy thêm hỗ trợ cho GD chính thống
Kim làm việc khoảng 60 giờ mỗi tuần để dạy tiếng Anh, mặc dù thầy chỉ dùng 3 giờ trong đó để giảng bài. Các buổi học của thầy được ghi lại trên video và Internet đã biến chúng thành một loại hàng hóa, có sẵn chờ người mua trên mạng với mức 4 USD/giờ.
Cả tuần thầy dành hầu hết thời gian để trả lời những yêu cầu giúp đỡ của HS trên mạng, phát triển kế hoạch giảng bài và viết sách (tính đến nay có khoảng 200 quyển). “Tôi càng làm việc chăm chỉ thì càng kiếm được nhiều tiền và tôi thích như vậy” – Thầy nói.
Nhờ các dịch vụ dạy thêm mà Hàn Quốc đã có thể cải thiện được hệ thống GD trong vòng vài thập kỷ qua và hiện nay đã có thành tích vượt qua cả Mỹ.
60 năm trước, hầu hết người dân Hàn Quốc đều mù chữ nhưng ngày nay HS 15 tuổi của Hàn Quốc xếp thứ 2 trên thế giới về môn Đọc hiểu (sau Thượng Hải). Đất nước này cũng có tỷ lệ tốt nghiệp PTTH là 93%, so với 77% ở Mỹ.
Các dịch vụ dạy thêm đang phát trển trên khắp thế giới, từ Ireland đến Hong Kong và thậm chí cả ở California và New Jersey của Mỹ. Đôi khi được gọi là cái bóng của hệ thống GD, đây là dịch vụ cung cấp các buổi học thêm ở các môn học. Hiện nay những dịch vụ này đã có thị trường riêng và số GV dạy thêm còn đông hơn cả GV dạy ở trường học.
Sự khác biệt chủ yếu giữa các trường học truyền thống và các lớp học thêm là HS được đăng ký học những GV nhất định nên những GV được tôn trọng nhất sẽ có đông HS nhất. Kim có khoảng 120 HS theo học mỗi bài giảng của anh, tuy nhiên, các lớp học thêm thông thường có ít HS hơn nhiều.
Những thú vị và căng thẳng
Cái bóng của hệ thống GD này có cả điều thú vị và cả sự căng thẳng. Nó thúc đẩy sự phấn đấu và sáng tạo của cả HS, GV và đã giúp Hàn Quốc trở thành một cường quốc về GD.
Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một cuộc chiến tranh cho GD khi cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho các gia đình giàu nhất và không quan tâm nhiều đến tác động tâm lý lên HS.
Theo hệ thống này, HS phải đi học 2 lần/ngày, một lần vào ban ngày và một lần vào ban đêm tại các lớp học thêm. Đây là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ.
Ở các lớp học thêm, GV là những nhân viên tự do, họ không cần được chứng thực, không cần phải đảm bảo có một số lương cơ bản, cái họ nhận được dựa vào những gì họ làm và hầu hết đều làm việc nhiều giờ. Công việc của họ được đánh giá dựa trên số lượng HS đăng ký học, sự tiến bộ ở điểm số và kết quả các cuộc khảo sát do phụ huynh và HS làm.
“HS là khách hàng” – cô Lee Chae-yun, người sở hữu chuỗi 5 trường dạy thêm ở Seoul có tên Myungin Academy cho biết. Để tuyển sinh, các lớp học thêm phải quảng cáo nhiều kết quả của mình.
Họ tung ra điểm số và những HS đỗ ĐH trên mạng và các áp phích lớn. Khi HS được tuyển vào, phụ huynh của các em sẽ nhận được tin nhắn cập nhật tình hình của con em mình.
Ở Hàn Quốc, nếu các bậc phụ huynh không quan tâm tới việc học của con thì được xem là một sự thất bại của các nhà GD chứ không phải là do gia đình.
Tuy nhiên, HS có thực sự học được nhiều hơn từ các lớp học thêm này? Đây quả thật là một câu hỏi khó. Trên thế giới, các nghiên cứu cũng cho thấy chất lượng các bài học thêm quan trọng hơn số lượng.
Mức học phí cũng phần nào tương đương với chất lượng và điều này cũng là vấn đề. Những HS giàu có có thể học 1 thầy 1 trò với những GV giỏi, trong khi những HS nghèo hơn học các lớp học thêm kém hơn với sĩ số lớp đông hơn nhiều, hoặc theo các lớp học thêm miễn phí của các trường công.
Cứ 10 phụ huynh Hàn Quốc thì 8 người nói họ cảm thấy áp lực tài chính từ chi phí của các lớp học thêm, tuy nhiên hầu hết vẫn cố gắng trả tiền vì nghĩ càng trả tiền nhiều thì con mình càng học được nhiều.