Nghề đặc thù

GD&TĐ - Theo quy định, tuổi nghỉ hưu của nữ giáo viên mầm non là 60. 

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này còn bất cập, cần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

Tại Khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019 quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với lao động nam vào năm 2028, đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Với quy định này, giáo viên nữ mầm non thuộc đối tượng áp dụng.

Thực tế, khi ở độ tuổi ngoài 50, việc dạy trẻ hát, múa, chạy, nhảy của các cô giáo mầm non sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đã có không ít hội thảo, diễn đàn bàn về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non. Thậm chí, vấn đề này đã làm nóng nghị trường Quốc hội ở các kỳ họp trước và tốn không ít giấy mực của báo chí.

Hầu hết các ý kiến cho rằng, từ 55 tuổi trở lên, giáo viên mầm non bị hạn chế khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực cho học trò. Đáng nói, Chương trình giáo dục mầm non không chỉ bó hẹp ở chăm sóc trẻ, mà còn đáp ứng yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế. Điều này trở thành thách thức với giáo viên mầm non khi các cô tuổi đã cao.

Vẫn biết, dù chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định công việc của giáo viên mầm non nằm trong danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, song thực tế công việc của các cô đã nói lên tất cả. Đây là hoạt động đặc thù, với biết bao khó khăn, vất vả. Bởi, giáo viên mầm non phải kiêm nhiệm tất cả công việc khi lên lớp: Từ dọn dẹp vệ sinh phòng học cho đến chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho trẻ.

Ở các cấp học khác, giáo viên có thể dạy theo phân môn được đào tạo. Chẳng hạn, một số môn chuyên biệt như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… sẽ có giáo viên chuyên trách. Nhưng với mầm non, giáo viên sẽ phải kiêm nhiệm tất cả, kể cả việc vào vai diễn viên, bác sĩ, bảo mẫu… Đó là chưa kể đến những áp lực vô hình do tính chất công việc mang lại từ phía phụ huynh và dư luận xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đề nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Do đặc thù công việc nên các cô cần có sức khỏe, thể chất tốt để trông giữ, dạy trẻ múa hát và phải tự làm các vật dụng trang trí, thiết bị, đồ dùng dạy học.

Trong khi đó, từ tuổi 50 trở đi, sức khỏe của giáo viên mầm non giảm sút, không còn nhanh nhẹn để ứng phó tình huống; khả năng chịu áp lực từ phụ huynh, nhà trường… không như trước dễ dẫn đến cáu gắt. Giữ ổn định tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non (đủ 55 tuổi) cũng là tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên mầm non trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian