Thời trai trẻ, bố tôi - cựu chiến binh Nguyễn Văn Nhạc - từng tham gia hai cuộc kháng chiến: Kháng chiến chống thực dân Pháp và sau đó tiếp tục tham gia đánh đuổi đế quốc Mỹ. Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý…
Lúc còn nhỏ, chúng tôi thường được nghe bố kể chuyện về chiến tranh, cuộc sống trong quân ngũ, về những người đồng đội hay những miền quê bố đã từng đi qua hoặc dừng đóng quân ở đó…, chuyện nào cũng cuốn hút sự chú ý tò mò của chị em tôi. Tuy vậy, ấn tượng và lưu mãi trong ký ức tôi là câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đơn vị bố tôi thuộc Trung đoàn 141, Đại đoàn 312… là một trong 5 đại đoàn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Là đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn vào cứ điểm Him Lam và cũng là đơn vị tham gia cho đến trận cuối cùng của chiến dịch.
Cho đến bây giờ, tôi như vẫn còn thấy hình ảnh bố thả ngọn khói thuốc lên trần nhà, sau đó bằng giọng trầm ấm, chầm chậm, biểu cảm trên khuôn mặt khắc khổ; khi vui vì chiến thắng, lúc buồn đau vì đồng đội thương vong. Đặc biệt đôi mắt ông ngời sáng lên niềm tự hào khi kể đến đoạn Đại đoàn 312 được giao trọng trách vinh quang nhưng đầy mạo hiểm bởi trận đánh mở màn chiến dịch.
Nhận được lệnh, toàn đơn vị cấp tốc hành quân, vượt nhiều chặng đường, leo đèo lội suối, rừng thiêng nước độc. Nhiều lúc, hành quân giữa trời mưa rét, đường trơn trượt, đêm tối mịt mù đến nỗi không nhìn rõ được mặt đồng chí đồng đội, mà chỉ thấy những ánh sao di chuyển lấp lánh trong màn đêm…
Địa hình đồi Him Lam hiểm trở, quân Pháp phòng ngự rất phức tạp và chắc chắn. Trên 3 quả đồi là 3 cứ điểm dễ dàng hỗ trợ cho nhau và có thêm yểm trợ pháo ở Mường Thanh. Chúng thiết kế hệ thống chiến hào ngang dọc nối liền các cơ quan, hầm ngầm, hỏa điểm liên kết giữa các cứ điểm.
Đã thế, xung quanh lại rào thép gai nhiều lớp, hai phía trong ngoài gài vô số mìn. Bọn chúng còn được trang bị vũ khí tối tân, các loại súng bố trí thành nhiều tầng như lưới lửa khổng lồ. Chính vì vậy mà quân đội ta gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm.
Đơn vị của bố được giao nhiệm vụ kéo pháo bằng tay vào trận địa trên quãng đường dài tận mấy cây số, phải vượt qua đỉnh Pha Sông cao vút.
Dù vất vả khó khăn là thế nhưng tất cả mọi người đều đồng sức, đồng lòng, quyết tâm cố gắng kéo pháo lên trận địa và ngụy trang khéo léo kẻo địch phát hiện ra. Để đưa được những khẩu pháo lớn và nặng lên trên núi cao quả là một sự khó khăn, nguy hiểm phải tính toán chi li cẩn thận về mặt thời gian, đường đi và lực lượng, đã không ít chiến sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ và đưa pháo đến cứ điểm an toàn.
Chị em chúng tôi ngồi nghe bố kể mà như nuốt từng lời, hồi hộp, lo lắng, rồi vui mừng hiện lên trong mỗi đoạn. Nhất là khi Trung đoàn 141 nhận nhiệm vụ đánh vào cứ điểm đồi số 1, số 2 và một trung đoàn khác đánh vào cứ điểm đồi số 3.
Nghe kể: Trước giờ xuất kích mọi người đều có chung tâm trạng là quyết tâm chiến thắng quân địch để làm tiền đề cho các trận đánh sau. Những giây phút chờ đợi căng thẳng rồi cuối cùng cũng đến. Đúng như mong đợi, trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại đoàn 312 đã chiến thắng. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cứ điểm Him Lam…
Niềm vui chiến thắng vỡ òa, nhưng toàn quân lại phải chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo cam go, khốc liệt hơn nữa. Trước tiên là toàn mặt trận phải đào hào giao thông. Hệ thống giao thông của quân đội ta cũng được thiết kế có trục chính, trục phụ. Trục chính sâu và rộng để thuận tiện cho việc có đường vận chuyển thương binh, tử sĩ và pháo đạn.
Các trục phụ cắt ngang trục chính có nhiều ngả rẽ giống như trận đồ bát quái bao vây căn cứ của địch đến tận chân. Đường hào xuất phát trong rừng, qua mấy chân đồi, ra cánh đồng sát trận địa chiến đấu. Việc đào hào hết sức vất vả, càng đến gần cứ điểm của địch càng nguy hiểm.
Mỗi mét hào không những chỉ có mồ hôi, mà còn phải đổi cả bằng máu, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Thời gian gấp rút nên cán bộ, chiến sĩ phải ăn cơm ngay trên hào giao thông. Có những đêm đào đến tận mờ sáng, khổ nhất là gặp khi trời mưa giá rét bùn non nhão nhoét. Nghe bố kể mà tôi càng thấm hơn với những câu thơ:
“Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm
Mưa dầm cơm vắt
Máu trộn bùn non…”.
Vất vả hiểm nguy là thế nhưng hễ có một cánh thư từ hậu phương gửi đến là mọi người lại hòa chung niềm vui như càng thêm động lực. Thi thoảng có cái dù cứu tế thức ăn của địch bay lạc qua vậy là lại có chiến lợi phẩm anh em chia nhau, cùng làm thơ và chuyện tếu.
Gần hai tháng trời, đơn vị của bố nói riêng và bộ đội nói chung đã vượt rừng núi, đội đất đá, đội bom đạn cuối cùng chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành chiến thắng vang dội năm châu.
Chúng tôi ngồi nghe bố kể mà lòng vô cùng cảm phục, biết ơn Bộ đội cụ Hồ đã không quản khó khăn gian khổ, không ngại hy sinh đổ máu để cho đất nước mình có được tự do độc lập như ngày hôm nay. Tự hào vì bố tôi đã góp phần trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa…