Hari Singh Yadav - Nông dân ở Gurgaon - một địa danh cách thủ đô Delhi 90 phút lái xe - nói rằng, dù đã bước sang tuổi 34 nhưng anh vẫn không thể kết hôn vì trong làng “không còn cô gái nào cả”.
“Chỉ 3 trong số 7 anh em tôi lấy được vợ. Bây giờ muốn lấy vợ phải đến Hyderabad và có trong tay ít nhất 1.500 USD. Đó là số tiền quá lớn với gia đình tôi” - Hari Singh Yadav nói với phóng viên tờ Guardian (Anh).
Hari Singh Yadav chỉ là một trong rất nhiều thanh niên ở Ấn Độ chưa thể lấy vợ hiện nay. Chính vì vậy, “buôn” cô dâu trở thành công việc làm thêm khá hấp dẫn.
Không ít người dân địa phương đã tự mình đứng ra làm người môi giới hoặc tìm nguồn cung cấp cô dâu cho các gia đình có nhu cầu. Bashir là một trong số đó.
Ông sống ở Tijara, phía tây bắc Rajasthan. Nếu trước đây, nguồn thu chính của ông là làm nông nghiệp và khai thác đá thì giờ đây, ông có thể kiếm thêm thu nhập bằng việc mai mối hôn nhân. Ông cùng vợ đến Assam 2 lần/năm để tìm kiếm những cô gái trẻ về bán lại cho các gia đình ở địa phương.
"Chúng tôi nói với gia đình họ rằng, các cô gái sẽ có cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi trả 70-100USD cho mỗi gia đình... Đó là dịch vụ vì cộng đồng. Chúng tôi đều nghèo, họ cũng là người nghèo, vì vậy, cả hai đều có lợi" - Bashir nói.
Những con số “giật mình”
Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về cô dâu bị buôn bán và nhập cư ở Ấn Độ nhưng theo kết quả cuộc khảo sát do Đại học Queens (Ontario, Canada) tiến hành trên 1.300 ngôi làng ở Haryana và Rajasthan, trong 3 năm trở lại đây, có sự gia tăng 30% số lượng phụ nữ bị dụ dỗ hoặc ép buộc hôn nhân.
Reena Kukreja - Giảng viên Đại học Queens, đại diện nhóm nghiên cứu - cho biết, vì quan niệm truyền thống, rất nhiều trẻ em gái không bao giờ được sinh ra.
“Sự ra đời của công nghệ siêu âm gần 50 năm về trước đã ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn giới tính thai nhi ở Ấn Độ. Ít nhất, 10 triệu bào thai mang giới tính nữ đã bị bỏ đi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nạn buôn bán cô dâu phát triển” - Reena Kukreja nói.
Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) xác định rằng, hoạt động buôn bán cô dâu ngày càng “sôi động” ở các bang Haryana, Punjab và Uttar Pradesh.
Đây là những khu vực có tỉ lệ chênh lệch giới tính cao nhất cả nước. Một báo cáo của UNODC công bố năm 2013 cho hay, trong 10.000 hộ thuộc 92 thôn ở Haryana có đến 9.000 phụ nữ được mua từ các làng nghèo thuộc tiểu bang khác.
Thực tế cho thấy, cuộc sống của cô dâu bị bán luôn kết thúc trong “bi đát”. UNODC cho biết, hàng ngàn phụ nữ bị hãm hiếp, lạm dụng, khai thác như nô lệ trước khi bị bỏ rơi.
Sahiba là một ví dụ. Cô bị bán cho gia đình nhà chồng năm 16 tuổi và cô bị chính chồng mình hãm hiếp 2 lần trước khi bán cho một gia đình ở Palwal, Haryana - địa danh cách thủ đô Delhi 60km.
“Khi phát hiện ra mình bị bán cho người chồng thứ hai mắc bệnh tâm thần với giá 13.500 rupee, tôi đã như phát điên và quyết định bỏ trốn. - Sahiba kể lại - Khi tôi từ chối ngủ với chồng, tôi đã bị đánh đập và tấn công bằng dao. Gia đình họ nói với tôi rằng, họ đã mua tôi và họ có quyền quyết định cuộc đời tôi".
Shafiq ur-Rehman, nhà hoạt động nhân quyền và là người sáng lập tổ chức từ thiện giúp đỡ các cô dâu bị bán mang tên Empower People nói rằng, cuộc đấu tranh bảo vệ những cô dâu vô cùng khó khăn.
Bà Ghaushia Khan - 40 tuổi, nhà hoạt động nhân quyền, từng là nạn nhân của nạn buôn bán cô dâu ở Haryana cho biết, có đến hàng ngàn phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn bán cô dâu nhưng chỉ có hai hay ba đối tượng bị kết án mỗi năm.
"Tỉ lệ kết án rất thấp với các trường hợp buôn bán cô dâu vì hệ thống luật pháp phân tán, không đủ mạnh. - Rakesh Senger, nhân viên của Empower People nói.
"Một vụ án bắt cóc, buôn bán cô dâu có khi mất đến 5 năm để truy tố. Rất khó tìm kiếm sự hợp tác của cảnh sát liên bang hoặc nạn nhân ra tòa làm chứng” - Ghaushia Khan nói tiếp.