Ưu tiên đầu tư cho trường học vùng biên giới

GD&TĐ - Điều này được khẳng định tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Ưu tiên đầu tư cho trường học vùng biên giới

Việc ưu tiên đầu tư cho trường học vùng biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, học tập của học sinh các dân tộc ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và các địa phương Campuchia.

Quy hoạch cũng ghi rõ: Tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên cho học sinh là người dân tộc thiểu số và học sinh người Khmer; xây dựng mỗi địa phương một trung tâm GDTX cấp tỉnh.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện mạng lưới các cơ sở đào tạo TCCN; đầu tư thành lập mới một số trường TCCN để phân luồng học sinh sau THCS.

Đầu tư đồng bộ các trường trung cấp nghề, CĐ nghề, trong đó mỗi trường có 2 – 5 nghề đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt những nghề gắn với phương phướng phát triển của vùng.

Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1. Tăng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường. Củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và chống tái mù chữ trên cơ sở hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS.

Tập trung ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của vùng và yêu cầu hội nhập quốc tế. Ưu tiên đầu tư, phát triển các trường CĐ nghề, trung cấp nghề có đủ năng lực đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực.

Xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả vùng. Rà soát, sắp xếp và thành lập các trường ĐH, CĐ phù hợp với quy hoạch, trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các tiêu chí và điều kiện thành lập trường theo quy định.

Mở rộng quy mô giáo dục ĐH và sau ĐH và nâng cấp một số trường CĐ, ĐH trên địa bàn nhằm từng bước điều chỉnh cơ cấu và trình độ lực lượng lao động.

Phát triển GD&ĐT và dạy nghề nhằm tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ