Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo 2 Sở GD&ĐT và Sở LĐ,TB&XH; các Phòng GD&ĐT; trường CĐ, Trung cấp nghề, Trường THPT, Trung tâm DGNN-GDTX trên địa bàn.
Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ phân luồng của học sinh sau THCS và THPT của Nghệ An đều tăng. Đây là dấu hiệu khả quan nhưng chưa biểu hiện hết thực chất hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề.
Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai Kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh THCS, THPT. Đến nay, sau 5 năm triển khai, công tác phân luồng của Nghệ An đã đạt được kết quả khả quan.
Ở bậc THCS, trung bình mỗi năm có gần 23% học sinh phân luồng. Trong đó, từ năm 2015 đến 2020, tỷ lệ học sinh vào học nghề tăng từ 8% lên 16%. Số học sinh tham gia dự thi THPT quốc gia nhưng không có nguyện vọng xét tuyển đại học cao đẳng tăng từ 37,2 (năm 2015) lên 42% (năm 2019).
Về phía các trường nghề trên địa bàn tích cực tuyển sinh, đào tạo học sinh sau THCS. Cam kết bố trí việc làm có thu nhập ổn định sau đào tạo. Một số cơ sở đào tạo đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo theo phương pháp tiên tiến, phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của thị trường sử dụng lao động.
Đến nay, nhận thức về việc nghề nghiệp của học sinh và phụ huynh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội nghị nhiều ý kiến cũng đã thảo luận những tồn tại, vướng mắc xung quanh việc phân luồng. Đó là việc tuyên truyền về công tác hướng nghiệp, phân luồng ở một số huyện chưa được quan tâm, đồng bộ. Một số trường THCS thực hiện chưa đúng với sự chỉ đạo của tỉnh và Sở GD&ĐT trong công tác phân luồng.
Các chủ trương, chính sách mới, ưu đãi cho việc dạy nghề chưa được tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh, nên học sinh chưa an tâm đi học nghề. Tại nhiều huyện miền núi, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều học sinh không học lớp 10 THPT hoặc nghỉ học giữa chừng, nhưng đi lao động tự do chứ không học nghề.
Một số phụ huynh chưa hiểu rõ tầm quan trọng về định hướng con đường nghề nghiệp cho con em mình phù hợp với năng lực hoàn cảnh. Tâm lý vẫn muốn con học lên THPT chứ không định hướng cho con đi học nghề.
Thời gian qua, một số trường THPT đặc biệt là ở khu vực miền núi, trường ngoài công lập đã phối hợp với trường trung cấp đào tạo nghề cho học sinh. Sau khi Bộ LĐ,TB&XH có văn bản chỉ đạo ngừng hoạt động trên, thì các trường quay trở lại chỉ dạy văn hóa. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, mô hình đào tạo cấp chứng chỉ nghề cho học sinh trong trường THPT phát huy hiệu quả và có ý nghĩa với những trường đặc thù. Vì vậy, mong muốn các cấp, ngành liên quan có giải pháp phù hợp đối với vấn đề trên.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Nghệ An phấn đấu đạt ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS và ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng để tăng hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề, trước hết cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền. Qua đó, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh để việc chọn trường, chọn nghề phù hợp với năng lực cá nhân và cơ cấu nguồn nhân lực của xã hội.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.