Nghệ An: Giáo viên nhận xét đề thi gợi cảm xúc, mong chờ bài văn hay của thí sinh

GD&TĐ - Đề thi môn Ngữ văn năm nay được nhiều giáo viên Nghệ An đánh giá bám sát nội dung chương trình SGK mà vẫn có độ phân hóa, khơi gợi được cảm xúc của thí sinh. Với đề thi này, các thầy cô giáo cũng mong đợi sẽ có nhiều bài văn hay, thú vị.

Thí sinh Nghệ An trong buổi thi môn Ngữ văn, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022.
Thí sinh Nghệ An trong buổi thi môn Ngữ văn, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022.

Phân hóa học sinh ở câu Nghị luận văn học

Theo cô Nguyễn Khánh Ly – GV Ngữ văn Trường THPT chuyên Đại học Vinh, đề thi năm nay tuân thủ theo cấu trúc, quy cách trình bày của một đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Cụ thể, đề thi xoay quanh những kiến thức trọng tâm, bám sát nội dung chương trình Ngữ văn THPT. Một mặt vừa đảm bảo yêu cầu, mức độ của một đề thi tốt nghiệp nhưng vẫn có khả năng phân hóa học sinh - đặc biệt với câu Nghị luận văn học.

Theo đó, phần Đọc hiểu có nội dung khá gần gũi với lứa tuổi học sinh THPT, đề cập đến vẻ đẹp và những khát khao, nung nấu của tuổi trẻ. Câu 1, 2 dễ làm, học sinh sẽ lấy được điểm tuyệt đối. Câu 3, 4 có độ khó hơn nhưng vẫn là những dạng câu hỏi học sinh đã được rèn luyện kỹ năng làm bài nhiều lần. Nhìn chung, câu Đọc hiểu không làm khó học sinh. Các em sẽ làm được và đạt được điểm cao ở phần này.

Về câu Nghị luận xã hội, vấn đề liên quan trách nhiệm của tuổi trẻ không mới, được nói nhiều, bàn nhiều không chỉ trong môn Văn mà ở các môn học và lĩnh vực khác trong cuộc sống. Vì vậy chắc chắn, học sinh sẽ không bỡ ngỡ với chủ đề này.

Đề thi năm nay được giáo viên nhận xét không đánh đố học sinh và có sự phân hóa rõ.

Đề thi năm nay được giáo viên nhận xét không đánh đố học sinh và có sự phân hóa rõ.

Dẫu vấn đề quen thuộc nhưng vẫn rất cần một cách viết mới, cách nghĩ táo bạo hơn để tránh sa vào cuồng ngôn, sáo ngữ, hô hào khẩu hiệu. Các bạn trẻ bây giờ có chính kiến, tư duy độc lập hơn nên tôi hy vọng các em có thể nói được những điều thiết thực, mới mẻ, thực sự trăn trở của thế hệ mình – không cần phải đi theo một khuôn mẫu giáo điều nào cả. Đây cũng là yếu tố để đánh giá, phân loại học sinh có kiến thức nền tốt và khả năng lập luận, đưa ra dẫn chứng thể hiện quan điểm của mình.

Câu Nghị luận văn học ra về văn xuôi cũng là một trong những nội dung ôn tập trọng tâm trong năm nay. “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là một văn bản hay nhưng cũng rất khó.

Đoạn trích được đề cập thuộc phần kiến thức trọng tâm nhưng để viết cho mạch lạc hệ thống ý, viết cho sâu sắc, làm bật lên ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu là khó. Đoạn trích ngắn nên phân tích cần sâu hơn, cần đến khả năng cảm thụ văn học nữa. Học sinh rất có thể sẽ sa vào diễn nôm, bình tán vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên.

Câu hỏi có phần liên hệ, so sánh 2 hình ảnh con thuyền để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống chắc chắn sẽ làm khó học sinh. Bởi lẽ học sinh vừa phải nắm được văn bản (đoạn miêu tả con thuyền đang chống chọi với sóng gió), vừa phải có kỹ năng so sánh và tổng hợp, đánh giá thông điệp nghệ thuật của nhà văn. Tuy nhiên, phần câu hỏi phân hóa thường điểm số không nhiều nên thí sinh cũng không cần quá lo lắng khi làm không trọn vẹn được mục này.

Chờ bài văn giàu cảm xúc

Cô Nguyễn Thị Hương (GV Ngữ văn Trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An) đánh giá, đề văn năm nay bám sát chương trình SGK theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Trong đó, câu đọc hiểu đưa ra ngữ liệu là đoạn thơ của Nguyễn Trọng Tạo về tuổi trẻ không quá lạ, nhưng vẫn gợi cảm xúc của học trò, về thế hệ trước kết nối thế hiện tại.

"Câu Nghị luận xã hội cũng nối tiếp vấn đề này. Học sinh được viết về tuổi trẻ, trách nhiệm của chính mình nên dễ hào hứng, bày tỏ suy nghĩ, chính kiến bản thân. Theo tôi, câu hỏi đọc hiểu và đề nghị luận xã hội ngoài kiểm tra kiến thức, thể hiện kỹ năng làm bài, hiểu biết xã hội còn có tính giáo dục cao", cô Hương nói.

Cô Nguyễn Thị Hương - Giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 2, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An mong chờ và hy vọng có bài văn hay từ thí sinh.

Cô Nguyễn Thị Hương - Giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 2, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An mong chờ và hy vọng có bài văn hay từ thí sinh.

Về câu Nghị luận văn học, ra về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu không xa lạ, nằm trong trọng tâm ôn tập nên sẽ không bất ngờ với thí sinh. Nhưng khả năng nhiều sĩ tử sẽ bất ngờ khi đề ra vào đoạn đầu của tác phẩm.

Theo cô Hương, với học sinh đại trà, các em sẽ dễ lấy điểm trung bình và phân tích được các ý cơ bản với đoạn trích trên. Tuy nhiên, ý thứ 2 của đề chính là phân hóa học sinh giỏi, và tôi rất thích cách đặt câu hỏi của người ra đề. Bởi văn của Nguyễn Minh Châu rất hay nhưng cũng khó để phân tích sâu sắc. Nếu chỉ với 1 đoạn trích được đưa ra, thì sẽ không thấy được tư tưởng của tính luận đề của Nguyễn Minh Châu. Với đề thi môn Ngữ văn, theo giáo viên nhận xét để đạt điểm 9 trở lên phải là học sinh có năng lực cảm thụ văn chương tốt, biết phân tích, đánh giá, so sánh và lập luận tốt.

Nhưng với ý 2: “Từ đó, liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống” thì đặt ra yêu cầu thí sinh phải biết kết nối, đặt đoạn trích trong so sánh với toàn thể tác phẩm, làm rõ được chiều sâu của văn bản. Giữa hình ảnh con thuyền thơ mộng, yên bình trong đoạn trích, với con thuyền nhỏ bé, chơ vơ chống chọi với sóng gió, đưa người chụp ảnh đi thơ mộng lãng mạn đến thực tế cuộc sống. Cũng như nghệ thuật phải bắt nguồn và không xa rời khỏi thực tế. Với câu Nghị luận văn học này, để viết được đầy đủ ý, phân tích sâu sắc thông điệp của Nguyễn Minh Châu không dễ.

"Nhìn chung, đề không đánh đố học sinh, có sự phân hóa rõ, để tùy vào lực học, mục tiêu của mình có thể đạt điểm điểm số như mong muốn. Riêng để đạt điểm 9, 10 thì phải là học sinh có năng lực văn chương, biết cảm thụ, phân tích, so sánh, lập luận chặt chẽ. Với đề thi này, tôi mong đợi và hy vọng sẽ tìm được những bài văn hay, sáng tạo, cảm xúc của thí sinh", cô Hương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.