Nghệ An: Đủ điều kiện xét công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3

GD&TĐ - Ngày 2/6, đoàn kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 của Bộ GD&ĐT đã làm việc với Ban chỉ đạo Chống mù chữ - Phổ cập giáo dục và xây dựng xã hội học tập tỉnh Nghệ An.

Nghệ An đủ điều kiện để đề xuất xét công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Nghệ An đủ điều kiện để đề xuất xét công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Buổi làm việc do ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT và ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đồng chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo, chuyên viên các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ GD&ĐT và đại diện các sở, ngành, huyện, thành, thị của tỉnh Nghệ An.

Trước đó, từ ngày 30/5, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã chia thành 3 nhóm kiểm tra công tác phổ cập giáo dục ở các huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó đã đến kiểm tra xác thực tại 36 đơn vị cấp xã và 72 gia đình.

Buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ GD&ĐT với UBND tỉnh Nghệ An về kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3
Buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ GD&ĐT với UBND tỉnh Nghệ An về kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3 

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, những năm qua, thực hiện công tác phổ cập giáo dục tiểu học, Nghệ An đã đạt nhiều kết quả rõ nét.

Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống mạng lưới trường lớp của tỉnh phát triển đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và yêu cầu phát triển của địa phương.

Bậc Tiểu học có 526 cơ sở (497 trường tiểu học và 29 trường Tiểu học và Trung học cơ sở). Các trường đều cơ bản đầy đủ phòng học, phòng chức năng, thiết bị thư viện. Hệ thống sân chơi bãi tập, khu vực vệ sinh được đầu tư xây dựng. Các trường có hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt và học tập của cán bộ giáo viên, học sinh.

Tính đến hết năm 2021, có 100% xã đạt chuẩn xóa mù chữ cấp độ 2; 100% huyện, thành thị đạt chuẩn xóa mù chữ cấp độ 2.

Hiện tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp của Nghệ An đạt 99,97%, trẻ 11 tuổi đã hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,39%. Không có trẻ 11 tuổi bỏ học. Số trẻ khuyết tật có khả năng học tập được huy động đến trường đạt tỷ lệ 98,8%. Số giáo viên tiểu học của Nghệ An có trình độ đạt chuẩn trở lên là 100%.

Tổng số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 là 460/460, tỷ lệ 100%. Tỷ lệ này ở cấp huyện cũng đạt 100%.

Ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định Nghệ An đủ điều kiện để đề xuất công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định Nghệ An đủ điều kiện để đề xuất công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghệ An vẫn có một số hạn chế, tồn tại liên quan đến công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt là công tác thống kế dự báo quy mô mạng lưới trường lớp; chỉ đạo giám sát phổ cập giáo dục ở một số địa phương. Cơ sở vật chất còn khó khăn, chưa đồng bộ. Số lượng giáo viên tiểu học còn thiếu nhiều.

Tại buổi làm việc ông Bùi Đình Long – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Chống mù chữ, PCGD&XDXHHT Nghệ An kiến nghị đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tham mưu, đề nghị các cấp ngành liên quan bổ sung, giao chỉ tiêu biên chế cho tỉnh. Qua đó đảm bảo số lượng giáo viên tiểu học, thực hiện chương trình GDPT 2018 và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Những năm qua, Nghệ An đã xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập đến từng xã vùng cao, biên giới.
Những năm qua, Nghệ An đã xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập đến từng xã vùng cao, biên giới.

Tại hội nghị, đại diện các đoàn kiểm tra thực tế cũng ghi nhận các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An rất quan tâm đến giáo dục và trẻ em. Không có học sinh tiểu học bỏ học, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp gần tuyệt đối. Các trường tổ chức được nhiều hoạt động, xây dựng các hạng mục phục vụ học tập, rèn luyện năng lực, kỹ năng toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên các nhà trường và địa phương trong quá trình làm việc với đoàn công tác chưa đưa ra nhiều minh chứng, thể hiện được những việc đã triển khai, thực hiện được.

Kết luận buổi làm việc, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) – Trưởng đoàn kiểm tra khẳng định, qua xác thực các tiêu chí, Nghệ An đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề xuất công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 theo Nghị định 20 của Chính phủ.

Đại diện Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An ký biên bản kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Đại diện Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An ký biên bản kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Về các kiến nghị đề xuất, kiến nghị của địa phương, đoàn kiểm tra sẽ tổng hợp, nghiên cứu, xem xét để đưa vào dự thảo góp ý tiêu chuẩn mới trong các văn bản, thông tư hướng dẫn sắp tới theo Luật Giáo dục 2019.

Ông Thái Văn Tài cũng nhấn mạnh: “Phổ cập mức độ 3 là mức độ cao nhất của bậc tiểu học. Tuy nhiên, đạt phổ cập không phải là đích đến, mà là bắt đầu để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục có giải pháp quyết liệt, thực hiện nhiệm vụ phổ cập với hành lang pháp lý mới, đó là Luật giáo dục năm 2019”.

Giáo dục tiểu học lúc này không phải là giáo dục phổ cập nữa, mà là giáo dục bắt buộc, Nhà nước phải đảm bảo để học sinh được trải nghiệm học tập miễn phí. Tuy nhiên, đối tượng học sinh yếm thế rất khó khăn, đó là những bạn khiếm khuyết học hòa nhập trong các cơ sở giáo dục bình thường.

Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao Nghệ An có chiến lược rõ ràng để thực hiện chương trình GDPT 2018. Đồng thời mong muốn địa phương quan tâm hơn nữa, bao gồm việc dạy học tại các trường học bình thường cũng như đảm bảo quyền được học của trẻ hòa nhập và chế độ cho giáo viên phụ trách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.