Tại buổi làm việc, ông Thái Văn Thành – GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An đã báo cáo với đoàn công tác Bộ GD&ĐT về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 bậc tiểu học trên địa bàn.
Đồng thời trao đổi chia sẻ với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới và thay sách giáo khoa
Nội dung đề cập đến 4 nhóm vấn đề chính: Thiếu giáo viên; Cơ sở vật chất còn chưa đồng bộ và hạn chế; Vấn đề dạy tin học – ngoại ngữ, tài liệu dạy học; và Bồi dưỡng hiệu trưởng, giáo viên đáp ứng chương trình mới.
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc với trường tiểu học trên địa bàn TP Vinh, Nghệ An |
Trong đó, vấn đề sáp nhập trường lớp, dồn dịch các điểm trường lẻ đặc biệt được quan tâm.
Nghệ An hiện có 547 trường có học sinh tiểu học. Trong đó có 458 điểm trường lẻ, giảm 11 trường và 24 điểm trường so với năm học trước.
Hiện ngành giáo dục tỉnh đang rà soát sắp xếp thực hiện dồn dịch điểm lẻ, dự kiến năm học tới sẽ giảm thêm 40 điểm trường. Song việc dồn dịch này cũng sắp đến “giới hạn” do đã cơ bản nhập các điểm lẻ dưới 3km về trường chính.
Điều này cũng dẫn đến khó khăn trong triển khai chương trình phổ thông mới, trong đó từ lớp 3, Tin học, ngoại ngữ được đưa vào môn học bắt buộc.
“Nghệ An đang có kế hoạch dồn học sinh từ lớp 3 – 5 về trường chính đối với trường vùng cao, miền núi. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này tỉnh mong có sự hỗ trợ về cơ chế của Bộ. Cụ thể, chúng tôi đề xuất mở rộng các trường Tiểu học Dân tộc bán trú để đảm bảo chế độ về ăn ở, quản lý, chăm sóc học sinh bán trú”, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nói.
Trường Tiểu học Huồi Tụ 2, Kỳ Sơn, Nghệ An đang thực hiện dồn toàn bộ học sinh từ lớp 3 - 5 về ở bán trú đi học tại trường chính |
Tại buổi làm việc, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề xuất Bộ GD&ĐT có điều chỉnh trong thông tư 22 về đánh giá học sinh và một số điểm trong điều lệ tiểu học để phù hợp với thực tiễn tại các địa phương khi triển khai chương trình mới.
Trả lời những đề xuất, kiến nghị của ngành giáo dục Nghệ An, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ GD&ĐT cho biết sẽ báo cáo với Bộ GD&ĐT và sẽ có đề án hỗ trợ cho các địa phương.
Về đội ngũ giáo viên, ông Thái Văn Tài cho hay, vừa qua Bộ Nội vụ đã cam kết với Chính phủ sẽ đảm bảo đủ giáo viên cho những vùng còn thiếu. Về lộ trình thực hiện chương trình mới sẽ triển khai từng bước, trong đó, năm đầu tiên sẽ tập trung cho lớp 1 và có lộ trình chuẩn bị giáo viên cho các lớp tiếp theo. Bộ GD&ĐT cũng sẽ hỗ trợ tỉnh trong bồi dưỡng, tập huấn cho hiệu trưởng về xây dựng chương trình nhà trường.
Thực hiện chương trình phổ thông mới, Tiếng Anh và Tin học sẽ là môn học bắt buộc từ lớp 3 |
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học đề nghị Sở GD&ĐT Nghệ An sớm tham mưu tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông bậc tiểu học do UBND tỉnh chủ trì.
Yêu cầu khi triển khai chương trình mới các trường phải đảm bảo tỷ lệ phòng học 1:1, tỷ lệ học sinh đúng theo điều lệ tiểu học và giáo viên đủ 1,5 GV/lớp. Vì thế, Sở cần nêu rõ và tham mưu để chính quyền địa phương có giải pháp giải quyết, đảm bảo những điều kiện tối thiệu này.