Nghệ An: Cảnh báo giáo viên về nguy cơ khi tham gia đa cấp huy động vốn

GD&TĐ - Nhiều cán bộ, nhà giáo, người lao động tại Nghệ An tham gia sàn giao dịch kinh doanh vê lĩnh vực ngoại hối. Tuy nhiên, hoạt động của các sàn giao dịch này lại chưa được cấp phép, nguy cơ rủi ro cao.

Một cuộc hội thảo huy động vốn đa cấp được tổ chức hoành tráng tại Toà nhà Đại Huệ Palace, TP.Vinh, Nghệ An. Ảnh: Sở Công thương Nghệ An
Một cuộc hội thảo huy động vốn đa cấp được tổ chức hoành tráng tại Toà nhà Đại Huệ Palace, TP.Vinh, Nghệ An. Ảnh: Sở Công thương Nghệ An

Ngày 2/12, Công đoàn Giáo dục Nghệ An ra văn bản cảnh báo nguy cơ khi tham gia các sàn giao dịch huy động vốn chưa được cấp phép.

Thời gian qua, trên mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải chia sẻ các bài viết, video quảng cáo về các sàn giao dịch tự giới thiệu kinh doanh về lĩnh vực ngoại hối như: Lion Group, Fxpro, FT Maket, Bonus DE Boxit... Đặc biệt trong đó có sự tham gia của cán bộ, nhà giáo, người lao động hiện đang công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Cách thức hoạt động của các sàn giao dịch này là nhà đầu tư tạo ra tài khoản để rút nạp tiền. Sau đó tạo thêm tài khoản để giao dịch trên thị trường trao đổi ngoại hối và gửi tiền cho ban chuyên gia số tiền tối thiểu. Tham gia sàn giao dịch này, người đầu tư được hứa hẹn mỗi tháng sẽ kiếm lời lên tới khoảng 20%.

Những người giới thiệu người khác tham gia mở tài khoản trên sẽ nhận được phí hoa hồng giao dịch dựa trên số tài sản và khối lượng giao dịch của khách hàng.

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, các sàn giao dịch hoạt động theo hình thức đa cấp chưa được Bộ Công thương cấp phép. Trên thực tế, sau một thời gian, khi đã huy động được số tiền lớn hệ thống sẽ sụp đổ, người đầu tư sẽ mất tiền.

Nhiều giáo viên Nghệ An tham gia hội thảo về hoạt động của các sàn giao dịch kinh doanh về lĩnh vực huy động vốn.
Nhiều giáo viên Nghệ An tham gia hội thảo về hoạt động của các sàn giao dịch kinh doanh về lĩnh vực huy động vốn.

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng tham gia các sàn giao dịch chưa được cấp phép, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An có văn bản cảnh báo nguy cơ gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thành thị và Công đoàn cơ sở.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị thông tin, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên về những rủi ro trong việc tham gia huy động vốn trên các sàn giao dịch điện tử mà chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.

Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ CBNGNLĐ đề cao cảnh giác, tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản và lôi kéo người khác tham gia.

Tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cán bộ, nhà giáo, người lao động. Thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng phù hợp với người trong ngành có dấu hiệu tham gia các hình thức huy động vốn không được pháp luật cho phép.

Theo ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An, qua nắm bắt thông tin từ công đoàn cơ sở, nhiều cán bộ, nhà giáo tại các huyện như Yên Thành, Thanh Chương... đã tham gia các sàn giao dịch này. Không ít trường hợp đã bị mất vốn đầu tư khi hệ thống sụp đổ. Vì vậy, các cán bộ, nhà giáo, người lao động cần cân nhắc thận trọng, tìm hiểu kỹ về các sàn giao dịch huy động vốn đa cấp này. Tránh trường hợp xảy ra rủi ro, mất vốn đầu tư cũng như ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ngành giáo dục.

Vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Nghệ An) thông tin, đơn vị vừa nhận được hàng loạt đơn tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến đa cấp huy động vốn tương tự Lion Group. Nhiều người dân tố cáo đã bị lừa tiền khi tham gia đầu tư vào các trang như BBONUS.NET; mfcclub.com; mfcclub.net; mfcclub.info; eunex.co của các công ty ở nước ngoài như MBI và BBI.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ