Loại đa cấp bất chính, quản chặt hơn DN ngoại
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, từ năm 2016 đến nay số doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp giảm đến 2/3. Trong đó 1/3 số doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 1/3 số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động do hoạt động không hiệu quả.
Theo báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Chính phủ trong lĩnh vực Công Thương, so với 67 doanh nghiệp năm 2016 thì đến tháng 9/2020 chỉ còn 21 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp; 46 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự chấm dứt hoạt động vì kém hiệu quả, giảm 68%.
Triệt phá trùm đa cấp liên kết Việt từng "làm mưa làm gió" một thời |
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký mới. Từ năm 2018 đến nay, gần 20 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến Bộ Công Thương. Trong đó, đáng chú ý, hơn 2/3 là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Quan điểm của Bộ Công Thương là vẫn cần “quản lý chặt chẽ” hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ này cho rằng việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam là tín hiệu tốt về mặt thu hút đầu tư. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp, cần có những đánh giá nhất định khi xem xét đề xuất gia nhập thị trường của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ Công Thương lý giải, một số quốc gia có cơ chế chọn lọc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với các điều kiện nhằm đảm bảo mức độ tín nhiệm nhất định. Ví dụ, Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký bán hàng đa cấp ở nước này phải có ít nhất 3 năm hoạt động bán hàng đa cấp ở một quốc gia khác.
Pháp luật Việt Nam hiện đã quy định một số điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng chưa có quy định có tính chất sàng lọc tín nhiệm như trên. Do đó, cần xem xét bổ sung để đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ các doanh nghiệp bất chính, tín nhiệm kém tham gia vào thị trường, gây tổn hại về vật chất và tinh thần cho người dân.
Chính vì thế, theo tìm hiểu của PV.VietNamNet, ngày 18/11 Bộ Công Thương đã gửi văn bản lấy ý kiến hàng loạt đơn vị về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 40/2018 về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, Bộ muốn bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài đăng ký bán hàng đa cấp ở nước này phải có ít nhất 3 năm hoạt động bán hàng đa cấp ở một quốc gia khác, giống như Trung Quốc đang làm.
Theo Bộ Công Thương, phương thức này giúp cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn gia nhập thị trường Việt Nam, qua đó sàng lọc các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp nhằm đảm bảo năng lực quản lý hệ thống người tham gia khi gia nhập thị trường Việt Nam, giúp giảm các nguy cơ thiệt hại về kinh tế cho người dân Việt Nam.
Song, phương án này cũng có mặt tiêu cực. Đó là khiến doanh nghiệp mới thành lập hoặc còn ít kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp khó khăn trong việc gia nhập thị trường Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra phương án giữ nguyên như hiện nay. Thế nhưng, sau cùng, Bộ Công Thương vẫn muốn lựa chọn thêm quy định cho nhà đầu tư nước ngoài như nêu trên nhằm “sàng lọc tốt hơn doanh nghiệp gia nhập vào ngành bán hàng đa cấp ở Việt Nam, giảm nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế đối với người dân Việt Nam”.
Các bị cáo cầm đầu đa cấp Thăng Long trong vụ án lừa đảo 36.000 người, chiếm đoạt hơn 706 tỷ đồng. |
Ngăn đa cấp “truyền miệng”
Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết chất vấn của Quốc hội trong lĩnh vực Công Thương đánh giá, gần đây, hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, tiền ảo, ví điện tử,... đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng.
Mặc dù các cơ quan quản lý cũng như các phương tiện truyền thông, báo chí liên tục đưa tin cảnh báo để tránh các nguy cơ xấu cho người dân, vẫn còn có hiện tượng các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng gây nhiều dư luận không tốt trong xã hội, như vụ việc liên quan đến Công ty Đầu tư Thời gian vàng, vụ việc liên quan đến hoạt động mua sắm hoàn tiền qua ứng dụng MyAladinz,...
Bộ Công Thương nhận thấy việc quản lý các hoạt động này là rất khó khăn vì các đối tượng hoạt động truyền miệng hoặc thông qua các hội nhóm kín qua mạng xã hội nên việc tiếp cận để thu thập thông tin, chứng cứ để xử lý rất hạn chế. Cơ quan này cho rằng ngoài Bộ Công Thương còn cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Công an, Bộ TTT-TT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, một số địa phương phản ánh quy định hiện hành không yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc cơ sở kinh doanh tại địa phương nên công tác giám sát ở địa phương chưa thực sự hiệu quả. Vấn đề này xuất phát từ bản chất truyền miệng, không có địa điểm kinh doanh cố định của hoạt động bán hàng đa cấp.
Tuy vậy, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên quy định như hiện nay là doanh nghiệp đa cấp chỉ phải cử người đại diện tại địa phương có hoạt động bán hàng, nhưng đưa ra các yêu cầu, điều kiện cụ thể đối với người đại diện nhằm đảm bảo hiệu quả của vai trò đại diện.
Bộ Công Thương giải thích việc không yêu cầu doanh nghiệp đa cấp phải có chi nhánh tại địa phương đó là lo ngại “tạo gánh nặng chi phí tài chính rất lớn và bất hợp lý cho doanh nghiệp đa cấp”. Bởi các doanh nghiệp phản ảnh, để duy trì người đại diện tại các địa phương mỗi năm tốn 2 tỷ đồng. Khi thành lập chi nhánh, số lượng nhân sự tăng nhiều lần, doanh nghiệp phải mất thêm chi phí thuê địa điểm, vận hành bộ máy.