Cài "phần mềm bảo vệ" tài khoản ngân hàng, cô giáo mất 1 tỷ đồng

GD&TĐ - Nữ giáo viên tại huyện Diễn Châu, Nghệ An vừa bị lừa đảo mất 1 tỷ đồng sau khi cài phần mềm “bảo vệ tài khoản” theo hướng dẫn của đối tượng xưng là điều tra viên Bộ Công an.

Ứng dụng mang biểu tượng Bộ Công an nhưng thực chất là phần mềm gián điệp, lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản nạn nhân. Ảnh: Công an cung cấp.
Ứng dụng mang biểu tượng Bộ Công an nhưng thực chất là phần mềm gián điệp, lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản nạn nhân. Ảnh: Công an cung cấp.

Cài phần mềm bảo vệ - bốc hơi 1 tỷ đồng

Ngày 30/11, Phòng cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa nhận đơn trình báo của một nữ giáo viên 40 tuổi tại huyện Diễn Châu (Nghệ An). Theo đơn trình báo, cô giáo này bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại.  

Cụ thể, nữ giáo viên nhận cuộc điện thoại thông báo có bưu phẩm đã lâu không nhận, và cung cấp số CMND, họ tên để nhờ kiểm tra thông tin.

Người tự nhận là nhân viên bưu điện thông báo chị có vướng mắc về vấn đề pháp lý với công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng. Người này hướng dẫn chị nối máy với đường dây nóng của Bộ Công an để được giải đáp.

Sau đó, một người xưng là "cán bộ điều tra Bộ Công an" nghe điện thoại và thông báo qua công tác điều tra đã phát hiện CMND, tài khoản ngân hàng của chị bị tội phạm ma túy, rửa tiền sử dụng vào mục đích phạm tội.

Dù khẳng định từ trước tới nay không có hành vi liên hệ nào với đối tượng vi phạm pháp luật, nhưng “cán bộ điều tra” cho biết Bộ Công an đã có bằng chứng về việc chị nhận tiền của bọn tội phạm.

Người này gửi cho chị đường link một trang web có biểu tượng logo Bộ Công an và hướng dẫn truy cập vào mục "Công văn tòa án" để được cung cấp mã số hồ sơ vụ án và xác minh thông tin.

Sau khi nhập mã hồ sơ, số CMND, nữ giáo viên này hốt hoảng khi thấy hiện ra “Lệnh bắt khẩn cấp”, trong đó là thông tin cá nhân của mình.

Lúc này, tin rằng mình đã bị tội phạm lợi dụng thông tin tài khoản vào việc phi pháp, chị đã kê khai toàn bộ tài sản gồm tiền tiết kiệm, tiền mặt, vàng bạc... để phục vụ điều tra. Đồng thời nghe theo lời “điều tra viên”, cài đặt phần mềm bảo vệ tài khoản để chứng minh nguồn tiền của mình là sạch.

Cho đến khi toàn bộ tiền tích lũy  1 tỷ đồng mất sạch, nữ giáo viên này mới bình tĩnh, nhận ra bị lừa và báo với cơ quan chức năng.

Thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao

Trung tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Đội 6, Phòng cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An) cho biết, phương thức chiếm đoạt tài sản trên tương tự như những vụ án lừa đảo công nghệ cao trước đây. 

Nạn nhân sau khi cài đặt phần mềm sẽ bị đối tượng lấy thông tin, chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng.
Nạn nhân sau khi cài đặt phần mềm sẽ bị đối tượng lấy thông tin, chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng.

“Tuy nhiên, thủ đoạn của đối tượng tinh vi, kín kẽ hơn để từng bước loại bỏ nghi ngờ của nạn nhân. Sau đó, lợi dụng tâm lý lo sợ liên quan đến hành vi phạm pháp và muốn chứng minh sự trong sạch của nạn nhân để lừa cài đặt phần mềm gián điệp. Từ đó, chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và rút sạch tiền nạn nhân”, Trung tá Hà Huy Đức cho hay.

Trước đây, bọn tội phạm thường yêu cầu nạn nhân rút toàn bộ tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng cho chúng chung cấp, thì nay phương thức này thay đổi. Nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chính mình, có đăng ký dịch vụ Internet banking. Điều này khiến nạn nhân tin tưởng tiền của mình vẫn an toàn.

Sau đó, để kiểm tra số tiền này có liên quan đến tội phạm hay không, nạn nhân sẽ nhận được hướng dẫn cài “phần mềm bảo vệ tài khoản của Bộ Công an" trên điện thoại. Khi thực hiện thao tác đều có nhận mã OTP từ ngân hàng.

"Ứng dụng có biểu tượng của Bộ Công an nhưng thực chất là phần mềm gián điệp. Khi cài đặt, ứng dụng yêu cầu quyền truy cập vào tin nhắn, danh bạ, thông tin điện thoại… Đồng thời, nạn nhân cũng phải cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu Internet banking. Khi hoàn tất nhập những thông tin trên, đối tượng đã kiểm soát được tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Chúng sẽ đăng nhập vào ứng dụng Internet banking và chuyển hết tiền trong tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt. Quá trình chủ tài khoản không hề biết do toàn bộ tin nhắn, mã OTP ngân hàng gửi về đã bị phần mềm gián điệp đánh cắp và xóa khỏi máy điện thoại của nạn nhân", Trung tá Đức thông tin.

Theo cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An, trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ tìm cách vô hiệu hóa sự tác động bên ngoài đối với nạn nhân.

Đối tượng dùng yếu tố bảo mật trong quá trình điều tra, yêu cầu nạn nhân tuyệt đối giữ kín sự việc với người xung quanh. Nếu “rút dây động rừng” sẽ khiến người thân trong gia đình nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, nạn nhân cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi để lộ bí mật nhà nước.

Trung tá Hà Huy Đức khuyến cáo người dân tuyệt đối không thực hiện theo bất kỳ hướng dẫn nào của các đối tượng lạ qua điện thoại. Không tải các phần mềm, ứng dụng lạ và cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mật khẩu Internet banking.

Khi có các thông tin gây băn khoăn, thắc mắc liên quan đến pháp lý, phải liên hệ trực tiếp tới ngân hàng và cơ quan công an địa phương nhất để được xác minh và giải đáp.

Hiện Đội 6, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục điều tra vụ chiếm đoạt 1 tỉ đồng của nữ giáo viên nói trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.