Nghệ An ban hành chính sách hỗ trợ công tác xóa mù chữ

GD&TĐ - Để nâng cao và duy trì hiệu quả công tác xóa mù chữ, Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó ban hành Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí dạy học.

Lớp học xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số tại Nghệ An.
Lớp học xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số tại Nghệ An.

Duy trì và phát huy hiệu quả công tác xóa mù chữ

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với dân số hơn 3,4 triệu người, trong đó dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 36,3% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An bao gồm: dân tộc Thái chiếm 10,17%, dân tộc Thổ chiếm 2,15%, dân tộc Khơ Mú chiếm 1,3%, dân tộc Mông chiếm 1,02%, dân tộc Ơ Đu chiếm 0,012% và các dân tộc thiểu số còn lại chiếm 0,108%. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân các dân tộc miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Với những đặc điểm không thuận lợi như vậy, tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trước thực tế này, Đảng, chính quyền các cấp tại Nghệ An luôn quan tâm đến công tác giáo dục trong đó có công tác xóa mù chữ. Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị chung, quan trọng của toàn xã hội nhằm góp phần “nâng cao dân trí”, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa - xã hội, với lực lượng nòng cốt là ngành giáo và sự phối hợp của nhiều lực lượng khác.

Trao quà cho học viên lớp học xóa mù chữ tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Trao quà cho học viên lớp học xóa mù chữ tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Hàng năm, Sở GD&ĐT Nghệ An ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ xóa mù chữ cho các phòng giáo dục và đào tạo và đến tận các cơ sở giáo dục để xây dựng kế hoạch mở lớp, thực hiện công tác chuyên môn, kiểm tra, đánh giá. Cuối năm tổng kết công tác xóa mù chữ, rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc học xóa mù chữ, chưa tự giác trong việc học tập. Việc huy động học viên ra lớp, duy trì sĩ số học viên đi học chuyên cần gặp rất nhiều khó khăn - do đa số học viên đều là nữ, trong độ tuổi lao động chính của gia đình, vào mùa nương rẫy thường đi làm xa nhà, xa bản. Do lớn tuổi nên tâm lí của một số học viên còn e dè, xấu hổ khi đi học. Số người mù chữ nằm rải rác ở các bản vùng sâu, vùng xa nên rất khó trong việc tổ chức mở lớp. Cơ sở vật chất ở một số bản vùng cao còn tạm bợ, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học theo hướng đổi mới.

Để nâng cao và duy trì hiệu quả công tác xóa mù chữ, Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Các lớp học xóa mù chữ được tổ chức linh hoạt vào những ngày cuối tuần, vào ban đêm, giữa các mùa vụ lao động, sản xuất... hoặc vào thời điểm học viên rảnh rỗi nhất.

Người tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ: được chọn lựa những người tâm huyết, yêu nghề, ưu tiên giáo viên là người địa phương, biết tiếng của đồng bào, hiểu rõ các phong tục, tập quán địa phương.

Theo ông Nguyễn Huy Cao - Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Giáo dục thường xuyên, sở GD&ĐT Nghệ An, việc tổ chức và duy trì lớp học là nhiệm vụ chính được giao cho các trường tiểu học đóng trên địa bàn. Đồng thời có sự phối hợp tham gia của các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội địa phương, cụ thể:

Các cơ quan, đoàn thể xã hội, Bộ đội Biên phòng, các già làng, trưởng bản đều phát huy vai trò tham gia tích cực trong việc hỗ trợ vận động người mù chữ trong độ tuổi đến lớp, duy trì sỹ số lớp học; vận động các đối tượng mù chữ, tái mù chữ đến các lớp học xóa mù chữ.

Những năm gần đây, xuất phát từ các nhu cầu thực tế trong cuộc sống, nên ý thức học tập của người dân được nâng lên rõ rệt, học để biết kí tên vay vốn ngân hàng, học để sử dụng và đọc tin nhắn điện thoại, học để biết đi xe buýt, học để biết hát Karaoke,.. nên phần lớn đã tự giác tham gia đến các lớp xóa mù chữ ngày một nhiều hơn.

Hỗ trợ kinh phí dạy học xóa mù chữ

Trước đó, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030 tại Nghệ An. Qua trao đổi, các đại biểu chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác xóa mù chữ còn nhiều khó khăn. Trước hết là nhận thức của người dân về công tác xóa mù chữ còn chưa cao, chưa thấy rõ được ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc biết chữ đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và sự phát triển chung của cộng đồng.

Công tác xóa mù chữ chưa hiệu quả một phần do đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác xóa mù chữ còn thấp, chế độ chính sách cho người dạy và người tham gia công tác xóa mù chữ còn chưa rõ ràng.

Thực tế hiện nay, kinh phí dành cho công tác xóa mù chữ chủ yếu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, nhưng chủ yếu là kinh phí cho người học xóa mù chữ. Trong khi, kinh phí cho người dạy và người tham gia công tác xóa mù chữ phải sử dụng từ nguồn kinh phí ngân sách của tỉnh. Do vậy, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thiếu kinh phí để triển khai công tác xóa mù chữ.

Nghệ An ban hành chính sách chi hỗ trợ kinh phí cho người dạy và người học lớp xóa mù chữ. Ảnh: Hồ Lài.

Nghệ An ban hành chính sách chi hỗ trợ kinh phí cho người dạy và người học lớp xóa mù chữ. Ảnh: Hồ Lài.

Để tạo thuận lợi cho công tác xóa mù chữ, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết 10/2023/NQ-HĐND về việc Quy định một số nội dung và mức chi thực hiện công tác Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục để thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn.

Trong đó, chi hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ với mức 1,8 triệu đồng/người/chương trình. Hỗ trợ quá trình tổ chức lớp học với các chi thắp sáng ban đêm 200.000đ/lớp/tháng, mua sổ sách theo dõi quá trình học tập 480.000đ/lớp/kì học. Tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ: 100.000 đồng/ học viên/ chương trình học. Đối với người dạy, tiền lương đối với giáo viên thuộc biên chế, giáo viên thỉnh giảng, tình nguyện viên thực hiện đúng quy định hiện hành.

Trước khi HĐND tỉnh ban hành chính sách, hàng năm Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ xóa mù chữ cho các phòng giáo dục và đào tạo và đến tận các cơ sở giáo dục.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng – Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, phương pháp dạy học, đánh giá, xếp loại học viên là phương châm “cầm tay chỉ việc”. Minh họa bài học bám sát thực tế cuộc sống sinh hoạt lao động của người học, giúp người học dễ hiểu, nhớ lâu và dễ vận dụng, áp dụng với cuộc sống hàng ngày. Từng bước cho học viên tiếp cận với công nghệ thông tin thông qua các phương tiện sẵn có, sự hỗ trợ từ nhà trường, từ trung tâm học tập cộng đồng (ti vi, máy chiếu, sử dụng điện thoại di động, mạng internet..).

Việc đánh giá kết quả học tập mục tiêu khuyến khích, tạo sự hứng thú, phấn khởi, có động lực phấn đấu qua điểm số, nhận xét của giáo viên, bạn bè, người thân và tự nhận xét của người học. Với nhiều nỗ lực, năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...