Lớp xóa mù chữ nơi biên giới

GD&TĐ - Hàng chục người Jrai ở huyện biên giới Chư Prông (Gia Lai) chưa biết đọc, biết viết.

Thầy giáo mang quân hàm xanh Đồn Biên phòng Ia Lốp dạy chữ cho học viên khu dân cư suối Khôn.
Thầy giáo mang quân hàm xanh Đồn Biên phòng Ia Lốp dạy chữ cho học viên khu dân cư suối Khôn.

Mong muốn “xóa mù chữ” cho bà con, những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp xung phong, tình nguyện dạy chữ.

Tình quân dân

Nắng tắt, lớp học đặc biệt ở Ia Mơr (huyện Chư Prông) vang tiếng ê, a đọc bài. Lớp học này thuộc khu dân cư suối Khôn, cách trung tâm UBND xã Ia Mơr khoảng 20km, giáp ranh với xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Trải qua những thăng trầm của thời gian, khu dân cư được hình thành với 103 hộ, 561 khẩu. Vì cuộc sống khó khăn nên nhiều người vẫn chưa biết đọc, biết viết. Mong muốn “xóa mù chữ” cho bà con, những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp xung phong, tình nguyện dạy chữ.

Trung tá Nguyễn Văn Thành - Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp cho biết, khu dân cư suối Khôn có 71 người Jrai chưa biết chữ. Mong muốn bà con biết đọc, biết viết và sử dụng ngôn ngữ để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng Ia Lốp xin ý kiến lãnh đạo để mở lớp xóa mù chữ. Ý kiến được thông qua, mỗi tuần 3 buổi với 15 học viên đến lớp học Toán, tiếng Việt.

Trung tá Vũ Văn Hoằng đảm nhận trọng trách dạy môn Toán còn Đại úy Nguyễn Văn Luân trở thành giáo viên dạy tiếng Việt. Để duy trì sĩ số, những hôm có tiết học, các “thầy giáo” gọi điện nhắc nhở học viên. Gần giờ học mà chưa thấy học viên đến đủ, một số cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp đến tận nhà chở bà con ra lớp.

“Có những hôm đến nhà, bà con đang làm dở công việc đồng áng. Chẳng ai bảo ai, xắn tay áo mỗi người phụ một việc để học viên ra lớp. Còn những ngày mưa, sợ bà con ngại đi học mọi người lại chia nhau vào làng chở học viên ra. Tuy có phần vất vả nhưng chỉ cần người dân biết chữ thì chúng tôi đều vui và hạnh phúc”, Trung tá Vũ Văn Hoằng nói.

Đại úy Nguyễn Văn Luân tâm sự, lớp với những học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, có người đã ngoài 50. Do đó, khi đứng lớp mọi người phải nhẹ nhàng, hướng dẫn học viên từng li từng tí, tránh bà con tự ái bỏ về.

“Khi lớp xóa mù chữ vừa mở chỉ có lác đác học viên. Sau đó, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, vận động nên bà con đi học đông hơn. Lớp với những học viên đặc biệt nên cách truyền tải kiến thức cũng phải khác so với dạy trẻ lên 5 - 6. Chúng tôi vừa hướng dẫn người dân đọc, viết vừa nắm bắt tâm tư, tình cảm để có thể thấu hiểu, sẻ chia. Như vậy, học viên mới thoải mái tiếp thu kiến thức”, Đại úy Luân chia sẻ.

Học viên người Jrai chăm chỉ học chữ.

Học viên người Jrai chăm chỉ học chữ.

Học để dạy con

Nâng niu quyển sách tiếng Việt trên tay, chị Siu Nghinh (20 tuổi) có thể đọc hết câu sau 5 tháng tham gia lớp “xóa mù chữ”. Nhoẻn miệng cười, chị Siu Nghinh bảo rằng, trước kia chẳng biết đọc biết viết nên làm gì cũng khó khăn, bất tiện. Mỗi khi mua, bán hàng hóa không biết đọc và tính toán nên phải nhờ người xung quanh. Khi chẳng có ai, chị đành nhờ người mua, bán hàng tính toán giúp nên không biết đúng hay sai.

“Từ ngày học chữ, tôi thấy cuộc sống tốt hơn nhiều. Mua, bán đã biết tính toán, chẳng sợ sai sót. Khi biết đọc, viết mình cũng tìm hiểu thêm kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất giúp kinh tế phát triển hơn. Rất vui và biết ơn cán bộ, chiến sĩ đã giúp tôi biết con chữ.

Đến lớp, sách, vở, bút viết… chẳng phải mua mà được cán bộ tặng. Những hôm mưa, hay đến lớp trễ, cán bộ cũng nhiệt tình đón đưa để động viên tinh thần học viên. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành khóa học để sau này các con noi theo”, chị Siu Nghinh bộc bạch.

Trước kia, Kpuih Lép (27 tuổi) chỉ học đến lớp 4 rồi nghỉ để nhường cho các em đến trường. Chẳng được đi học như chúng bạn, ngày ngày Lép theo cha, mẹ lên nương. Quen với công việc đồng áng, Lép dần quên cách cầm bút viết và tính toán. Khi hay tin có lớp “xóa mù chưa” chị liền đăng ký học. Chẳng cần sắm sách vở hay bút thước… đến lớp “cô học trò” tuổi 27 được thầy giáo phát đủ đầy.

“Nghỉ học quá lâu rồi bản thân quên hết mặt chữ. Bao nhiêu năm qua tôi không nghĩ sẽ có một ngày được quay trở lại lớp. Thật sự rất vui, hạnh phúc khi được đến trường. Tôi sẽ cố gắng học để sau này lập gia đình được tôn trọng và dạy chữ cho các con”, chị Lép tâm sự.

Không nghỉ ngơi sau một ngày lên nương, ông Kpah Choan (61 tuổi) đứng ngoài cửa lớp xem cậu con trai Kpah Vớt (19 tuổi) học chữ. Chăm chú nghe giảng, ông Kpah Choan cũng đồng thanh với cả lớp đọc theo thầy giáo. Ông Kpah Choan có 8 người con, Kpah Vớt là con út nhưng xưa kia ngại đi học nên chữ biết, chữ không. Hay tin Bộ đội Biên phòng mở lớp, gia đình ông động viên để con đi học. Sợ Kpah Vớt nghỉ học giữa chừng nên tối nào có lịch lên lớp, ông gác lại công việc để chở con đi.

Tối muộn, buổi học kết thúc, học viên lần lượt chào thầy giáo ra về. Cất gọn giáo án, đồ dùng dạy học, Đại úy Nguyễn Văn Luân hướng mắt nhìn theo bóng lưng dần khuất của học viên. Theo Đại úy Luân, biết đọc, biết viết có lẽ là giấc mơ của người dân nghèo nơi đây. Dù kinh phí của Đồn Biên phòng Ia Lốp còn hạn chế nhưng Đại úy Luân cùng cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn quyết tâm để mở thêm nhiều lớp “xóa mù”. Từ đó giúp bà con biết chữ nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

“Thấy con chăm chỉ, chịu khó học người làm cha mừng lắm. Hy vọng con cố gắng học để sau này biết chữ, áp dụng vào sản xuất để có cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Kpah Choan nói rồi hướng mắt về phía con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.