Trong ngày làm việc thứ tư, ngày 23/5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về 3 dự án luật. Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm lượng tiêu thụ rượu, bia. Một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ giải thích từ ngữ “tác hại của rượu bia”, trong đó, phải làm rõ, nhấn sâu vấn đề tác hại của rượu bia để người dân có sự thay đổi về nhận thức; đồng thời, nên cân nhắc quy định cấm bán rượu, bia trên Internet.
Buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thư viện và thảo luận ở tổ về hai dự án Luật này. Đối với Luật Kiểm toán Nhà nước, nhìn chung, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) thống nhất cần bổ sung vào Luật Kiểm toán Nhà nước một số quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong Luật này cần phải điều chỉnh, bổ sung trách nhiệm của kiểm toán nói chung và trách nhiệm của đoàn kiểm toán, của cá nhân trưởng đoàn kiểm toán trong quá trình đi kiểm toán mà không phát hiện được sai sót. “Nếu chỉ căn cứ trên giấy tờ thì sẽ là kẽ hở trong pháp luật để có những kết luận không đúng tình hình thực tế. Bởi giữa đoàn kiểm toán và đơn vị bị kiểm toán không loại trừ là sẽ thỏa thuận để đưa ra hồ sơ”, đại biểu nhấn mạnh.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình với việc cần bổ sung các quy định tăng cường vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước góp phần vào phòng chống tham nhũng trong dự án Luật và cho rằng, việc tăng quyền lực cho cơ quan kiểm toán phải đi kèm với giám sát việc thực hiện quyền lực này. Để bảo đảm chất lượng và tính khách quan của kiểm toán, theo đại biểu Cường, cần có cơ quan kiểm toán lại theo hướng thuê đơn vị kiểm toán quốc tế độc lập.
Thảo luận về Luật Thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng hoan nghênh dự án Luật đã đề cập đến “thư viện số”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, “thư viện số” ở đây mới là bắt đầu của cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba thôi vì mới chỉ đề cập đến việc khai thác dữ liệu trên mạng, do đó, cần tìm cách tiếp cận rồi tiếp tục hoàn thiện sao cho phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Cũng theo ông Phan Xuân Dũng, “thư viện” trong Luật vẫn mang tính chất hành chính, chưa phù hợp với sự tiến tới về khoa học công nghệ. “Đưa cách quản lý hiện nay vào Luật thì chưa hướng tới những gì mà xã hội đang tiến rất nhanh trên con đường khoa học công nghệ”, đại biểu Phan Xuân Dũng khẳng định.
Theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM): Cách duy trì thư viện hiện nay lãng phí và chưa phục vụ được điều kiện tốt nhất cho người đọc. Đại biểu cho rằng, Luật cần có quy định về đầu tư để có sự liên thông giữa các thư viện công. Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại hệ thống các thư viện. Chẳng hạn như thư viện cấp quận, huyện, thị xã không nên trực thuộc UBND tỉnh mà nên trực thuộc thư viện tỉnh, thành phố. Việc này sẽ giúp thuận tiện cho các thư viện khi liên thông khai thác, trao đổi tài liệu. Ghi nhận các vấn đề đưa vào dự án Luật đều rất cần thiết, song đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) băn khoăn: “Điều quan trọng là chính sách của Nhà nước đối với công tác này thế nào? Điều đó mới giải quyết được các vấn đề liên quan...”.