Ngày làm việc đầu tiên của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

GD&TĐ - Ngày 9/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng dự họp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cùng dự cuộc họp.

Chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi

Báo cáo công tác chuẩn bị cho kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT; hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; Kế hoạch tổ chức Kỳ thi; xây dựng ma trận đề thi, đề thi tham khảo và bổ sung hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021.

Các bài học trong việc tổ chức kỳ thi những năm trước đều đã được xem xét, rút kinh nghiệm đưa vào trong quy chế, hướng dẫn tổ chức kỳ thi năm nay, đặc biệt là phương án ứng phó trong tình huống có dịch bệnh như trong năm 2020.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo, được giáo viên, chuyên gia đánh giá là vừa đảm bảo tốt nghiệp, vừa đảm bảo độ phân hoá phù hợp, làm phong phú ngân hàng đề.

Chia sẻ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ dành sự quan tâm, trực tiếp làm việc với các cục, vụ, kiểm tra kỹ, rà soát tất cả các khâu để tránh sai sót, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới; bảo đảm an toàn từ chuẩn bị đề, chấm thi, xác nhận kết quả, công bố điểm, đăng ký xét tuyển…

Bộ trưởng nhấn mạnh: Kế hoạch tổ chức kỳ thi năm nay cần có phương án tổng thể, kịch bản, lực lượng thường trực hỗ trợ, cơ sở vật chất… để có thể ứng phó toàn diện, đầy đủ, hiệu quả, tình hình dịch bệnh cũng như tình huống thiên tai, bão lũ. Không chỉ giới hạn trong quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tiếp tục phát huy điểm tốt của kỳ thi năm 2020

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành thảo luận, đánh giá về những điểm mới, những vấn đề cần rút ra qua kỳ thi năm 2020, góp ý vào công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn rất được quan tâm. Việc phân cấp địa phương tổ chức kỳ thi, chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ trương đúng đắn.

Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn thật tốt, chi tiết các khâu, đặc biệt, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra chính thức phải có kế hoạch đột xuất, để phát hiện những trục trặc, vấn đề và xử lý kịp thời, nhanh chóng.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, về lâu dài, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải làm sao tác động ngược trở lại để giúp nâng cao chất lượng, giúp hệ thống giáo dục phát triển lành mạnh, đồng thời bảo đảm quyền lợi được học lên bậc cao hơn của thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT.

Các đại biểu nhận xét những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cần tiếp tục phát huy. Cụ thể như: giao trách nhiệm trực tiếp cho các địa phương nhưng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là người chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi; công khai học bạ; tổ chức chấm thi tập trung; đề thi vừa đáp ứng yêu cầu thi tốt nghiệp, vừa phân hoá, bảo đảm cơ hội vào đại học rộng mở hơn cho tất cả thí sinh.

Bên cạnh đó, kỳ thi năm 2021 phải tiếp tục được rà soát, cải tiến, rút gọn những khâu trong tổ chức kỳ thi từ tổ chức ra đề, tập huấn công tác coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra đến xử lý các vi phạm, tình huống phát sinh… Làm sao vẫn đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực khách quan nhưng không gây căng thẳng, áp lực không cần thiết cho thí sinh và xã hội.

Đáng chú ý, các ý kiến cho rằng quy chế thi phải chặt chẽ nhưng phải nhân văn, đứng về phía thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho các em, xem xét kỹ càng, thấu đáo những trường hợp vi phạm quy chế thi.

Về nội dung này, Phó Thủ tướng nêu rõ: Một trong những bài học thành công của kỳ thi năm 2020 là quy định trách nhiệm rõ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương. Kỳ thi năm nay tiếp tục triển khai hướng như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chịu trách nhiệm toàn diện của kỳ thi.

Cụ thể là xây dựng, ban hành quy chế thi, hướng dẫn tổ chức thi, ra đề, tổ chức hệ thống chấm thi tập trung (chấm thi bằng máy toàn bộ phần thi trắc nghiệm và công cụ cần thiết giám sát chấm bài thi tự luận), sao cho đảm bảo công bằng khách quan.

Gắn với việc tiếp tục giải pháp công khai điểm học bạ của các tỉnh, Bộ phải có phân tích đánh giá, tỉnh nào chênh lệch điểm thi và học bạ để có uốn nắn, chấn chỉnh, việc nâng điểm học bạ, không đúng thực chất, năng lực của học sinh. Thực hiện công tác thanh tra kiểm tra giám sát rõ ràng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm nào, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ban, ngành, địa phương cũng đều tập trung để làm sao có một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, khách quan nhưng không quá căng thẳng, nặng nề trên mức cần thiết. Bộ GD&ĐT cần kế thừa những điểm đã làm tốt, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa những điểm còn hạn chế, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho thí sinh.

Cuộc họp về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, sáng 9/4. Ảnh: VGP/Đình Nam
Cuộc họp về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, sáng 9/4. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, qua 6 năm thực hiện, chúng ta đã hoàn thành lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Kết quả rõ nhất của kỳ thi là đã tác động đến việc học toàn diện, có tính đến phân luồng học sinh. Cơ hội cho học sinh được lựa chọn các trường đại học theo năng lực và nguyện vọng bản thân tốt hơn trước rất nhiều.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc rất quan trọng, không chỉ của ngành Giáo dục mà của toàn xã hội, bởi vì liên quan đến gần 1 triệu học sinh, trong đó, trên 600.000 em có nguyện vọng vào đại học.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã công bố quy chế thi, đề thi thử, cơ bản nhận được phản hồi tích cực của dư luận, nhưng Phó Thủ tướng đề nghị Bộ từ nay đến khi tổ chức thi, trên tinh thần cầu thị, tiếp tục rà soát những chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo kỳ thi được tổ chức tốt, đặc biệt những gì liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của thí sinh tốt hơn.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Việc năm nay cho thí sinh đổi nguyện vọng nhiều lần sau khi biết kết quả thi là một ví dụ cho cải tiến tốt. Nhưng Bộ cần tiếp tục xem xét các quy định sao cho thuận lợi nhất. Đơn cử như yêu cầu các thí sinh bảo lưu kết quả thi phải xin xác nhận từ nhà trường thì Bộ phải xem lại hệ thống công nghệ thông tin, nếu có đầy đủ thông tin của thí sinh thì không cần xác nhận, chỉ những trường hợp không có trong hệ thống mới cần xin xác nhận, giảm thiểu các nhiêu khê cho thí sinh.

Với việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi, Phó Thủ tướng lưu ý: kể cả những trường hợp nghi ngờ, biểu hiện không bình thường trong phòng thi thì cũng phải có phương án dự phòng xử lý sao cho thí sinh được tạo điều kiện tối đa để thi. Cần có các bước xác minh, tuyệt đối không để trường hợp nào bị oan, mất quyền lợi không được thi.

“Kế thừa kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, kỳ thi năm nay cần tiếp tục tạo điều kiện cho các thí sinh có cơ hội tham gia tối đa vào kỳ thi, tiếp tục vào học nghề, học đại học thuận lợi nhất” -  Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Đối với công tác chuẩn bị đề thi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện ngân hàng đề, bảo đảm trong tình huống xấu nhất dịch bệnh, thiên tai, có thể tổ chức thi nhiều đợt.

Trong kỳ thi năm 2020, công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp hệ thống thanh tra nhà nước và các địa phương đã thực hiện tốt. Đưa đánh giá này, Phó Thủ tướng yêu cầu Kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần  tiếp tục rà soát lại các quy định pháp luật về thanh tra, đảm bảo chương trình thanh tra, kiểm tra giám sát linh hoạt theo đúng pháp luật, không quá nặng nề nhưng đảm bảo nghiêm túc.

Phó Thủ tướng lưu ý: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tổ chức thực hiện tại địa phương, do đó chính quyền và người đứng đầu chính quyền ở địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thi trên địa bàn như năm vừa rồi là rất tốt. Năm nay tình hình dịch bệnh vẫn còn rất khó lường. Vì vậy, tùy tình hình dịch, bên cạnh các biện pháp thuần túy về thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát để có hướng dẫn chi tiết tới tất cả các tỉnh có dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ