Ngày hè, trẻ "khát" sân chơi

Ngày hè, trẻ "khát" sân chơi
(GD&TĐ) - Hè đến, trẻ em ở đô thị lại sắp có những ngày nghỉ buồn chán bên chiếc máy tính hoặc chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường. Dưới sức ép của đời sống đô thị, những sân chơi cho trẻ em đang dần biến mất. Tình trạng thiếu trầm trọng các điểm vui chơi cho trẻ em diễn ra nhiều năm nay. Việc tạo sân chơi cho các em vẫn là vấn đề nan giải.
Sân chơi bị  lấn chiếm
Dạo quanh các khu dân cư đông đúc như Thành Công, Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ..., những khu tập thể lớn được quy hoạch xây dựng từ cách đây vài chục năm, một điều dễ nhận thấy các sân chơi ngày càng thu hẹp lại và đang dần biến mất, sân chơi bị chiếm dụng làm chỗ trông giữ ôtô - xe máy, kinh doanh, họp chợ…
Khu tập thể G3 Thành Công (Hà Nội) trước đây có khoảng sân rộng dành cho các em nhỏ đá bóng, tập xe. Nhưng hơn một năm trở lại đây, do nhiều người dân thiếu chỗ gửi xe hoặc phải chịu gửi giá cao ở nhà dân tự tổ chức, tổ dân phố gửi  đơn lên UBND phường Thành Công xin phép tổ chức trông giữ xe tại sân chơi KTT. Việc làm này khiến người dân khu tập thể yên tâm về vấn đề gửi xe và cũng tạo điều kiện cho một số người dân ở tổ dân phố không công ăn việc làm, hoàn cảnh khó khăn, có thêm thu nhập ổn để định cuộc sống. Tuy nhiên với con trẻ KTT, không có chỗ vui chơi sau những buổi chiều đi học về.
Phải tìm đến chốn chơi mạo hiểm cho trẻ (Trong ảnh: Góc hồ Tây thành "bể" tập bơi cho trẻ) Ảnh: Bắc Việt
Phải tìm đến chốn chơi mạo hiểm cho trẻ (Trong ảnh: Góc hồ Tây thành "bể" tập bơi cho trẻ) Ảnh: Bắc Việt
 

 Còn khoảng sân lớn trước dãy nhà B5 khu tập thể này lại trở thành nơi buôn bán, họp chợ của các tiểu buôn ở tận đâu đâu đổ về. Mùi tôm, cá bốc lên tanh tưởi, lá rau, cẳng rau vương vãi lâu ngày bị phân hủy tạo nên thứ mùi nồng nặc, thum thủm. Tiếng mặc cả, cãi cọ ồn ã là điều thường trực.

Khu tập thể Giảng Võ với khoảng sân rộng hàng nghìn mét vuông gần hồ nay cũng biến dạng thành khu phố bán cà phê, ốc luộc. Khoảng không rộng rãi duy nhất thì chủ yếu là dành cho chỗ đậu ôtô, sân chơi cho trẻ chỉ là phần diện tích rất khiêm tốn so với khu đất lớn dành để xây nhà.
Thiếu không gian “xanh”
Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 2.200 điểm vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã. Thế nhưng, gần 40% các điểm vui chơi này, hệ thống trang thiết bị đã quá cũ kỹ mà vẫn chưa được đầu tư cải tạo.
Mặc dù Hà Nội hiện có rất nhiều công viên có không gian rộng, thoáng mát nhưng lại nghèo nàn trò chơi, đặc biệt là các trò chơi mang tính sáng tạo, giáo dục. Công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ,.. đã không còn thu hút được các bậc phụ huynh đưa trẻ đến vui chơi.
Thiên đường Bảo Sơn được biết đến là khu du lịch giải trí, văn hóa hiện đại nhất miền Bắc, là nơi tôn vinh và giới thiệu những nét độc đáo của thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam với du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, những trò chơi, hoạt động giải trí cũng sơ sài, nghèo nàn. Chính vì vậy, tìm một khu vui chơi ngoài trời đúng nghĩa cho con trẻ vẫn trở thành ước mơ xa vời với các phụ huynh.
Vỉa hè vẫn là “sân chơi” quen thuộc của trẻ em Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng
Vỉa hè vẫn là “sân chơi” quen thuộc của trẻ em Hà Nội.   Ảnh: Thanh Tùng
 

 Không có sân chơi trẻ bị giam hãm trong nhà và phải chịu sự quản thúc của gia đình. Chị Hà, một người dân sống ở khu tập thể Giảng Võ chia sẻ: “Trẻ con ngày càng dán mắt vào màn hình chơi game nhiều hơn là các hoạt động ngoại khóa, mà tâm lý cha mẹ cũng không muốn cho con mình xuống chơi ở một chỗ bẩn thỉu, chật chội và thiếu an toàn.”

Thiếu những địa điểm để các em vui chơi, giải trí lành mạnh nên những hè phố, ngõ hẻm, hoặc bất kỳ khoảng trống nào trong các khu dân cư cũng trở thành điểm tụ tập của các em. Còn nhớ cách đây không lâu, trẻ em Hà Nội đã có phong trào sử dụng xe đạp Xgame, xe đạp ruồi gây rối loạn giao thông và các khu dân cư. Hiện tượng này một phần cũng vì không có sân chơi nên trẻ tự sáng tạo ra các trò chơi để thoát ra khỏi không gian chật hẹp trong gia đình.
Cần lắm sân chơi cho trẻ
Thiếu không gian xanh để vui chơi đang là vấn nạn đau đầu không chỉ của riêng trẻ thành phố mà còn là nhu cầu của trẻ em nông thôn. Những ngày hè trẻ em nông thôn thường đi ra hồ, ao suối tắm, nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra như đưối nước…
Không có sân chơi, trẻ em tìm đến các quán game, internet… ẩn chứa nhiều nguy cơ dẫn đến tổn thương về tinh thần. Bước vào thế giới ảo các em bị sang chấn về tâm lý dẫn đến nhiều tệ nạn khác. Có cháu bị mắc chứng tự kỷ nhẹ, hay sợ và không dám tiếp xúc với người lạ.
Hiện, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em… Mục tiêu đưa ra không cao, nhưng không rõ đến bao giờ những sân chơi khang trang, bổ ích mới bắt đầu xuất hiện?
Tạo dựng các sân chơi cho trẻ em phải được xác định là một sự đầu tư chính đáng, cần ưu tiên. Việc tạo ra nhiều sân chơi không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giao tiếp, giải trí lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em mà đây cũng chính là “liều vắc-xin” phòng ngừa những tác động xấu và những tai nạn thương tâm xảy đến với trẻ em mỗi năm.
Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em đã quy định: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí. Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/4/2010 về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em cũng nêu rõ: Phải tạo môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em, để tất cả trẻ em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách.
Đăng Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ