Tranh thủ lúc nghỉ dạy, giáo viên đến từng nhà vận động trẻ ra lớp
Trường Mẫu giáo Trà Giác (xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) là trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trường cách xa thị trấn gần 30km, gồm có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường lẻ.
Vào đầu mỗi năm năm học, Trường Mẫu giáo Trà Giác đã tăng cường công tác vận và duy trì sĩ số học sinh để thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và đã ghi nhận kết quả tích cực. Năm học 2021 - 2022, trường có 9 lớp/229 trẻ. Riêng, kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã huy động 63 trẻ 5 tuổi ra lớp, đạt 100%.
Cô Trịnh Thị Liễu - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đối với công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã trở thành việc làm thường xuyên và đưa vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm của nhà trường.
“Trước ngày tựu trường năm học mới, chúng tôi phân công cán bộ, giáo viên phụ trách công tác điều tra thông tin trẻ trong độ tuổi từ 0-5 tuổi có trên địa bàn xã theo từng hộ gia đình/thôn/nóc, đảm bảo tính chính xác để phục vụ cho việc cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm theo quy định.
Đồng thời, nhà trường thực hiện tốt công tác phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể địa phương, các bậc học trên địa bàn xã để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục xã nhà nói chung và PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi nói riêng. Từ đó hướng đến xây dựng Đề án phát triển giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi trong thời gian đến", cô Liễu chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Giác cũng cho hay, công tác phổ cập giáo dục mầm non được thực hiện xuyên suốt nhiều năm. Vậy nên, nó như là một nhiệm vụ thường xuyên của nhà trường.
Tuy nhiên, do đơn vị nằm trên địa bàn thuộc xã khó khăn của huyện miền núi, có gần 100% học sinh là con em người đồng bào dân tộc Cadong, chính vì vậy việc vận động và tuyên truyền đưa trẻ đến lớp cũng như thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi cũng gặp những khó khăn nhất định.
“Do cha mẹ học sinh là người đồng bào Cadong, phụ huynh ngại giao tiếp và hợp tác với cô giáo, thường ngày phụ huynh phải đi làm nương rẫy xa, không có ở nhà... Giáo viên đi dạy buổi sáng, buổi chiều và tranh thủ những lúc trưa, tối đến từng nhà để thực hiện điều tra và vận động phụ huynh. Rất vất vả nhưng các cô vẫn cố gắng để làm tốt công tác tuyên truyền vận động học sinh”, cô Liễu cho hay.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng liên hệ để phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp ban nhân dân thôn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... nhằm tuyên truyền đến quý phụ huynh biết được tầm quan trọng của việc đưa con em ra lớp đúng độ tuổi.
Theo cô Liễu, đầu năm học nhà trường có đủ 1 giáo viên/lớp không bán trú; 2 giáo viên/lớp có bán trú, nhưng chưa đủ tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định; chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho các lớp, đặc biệt quan tâm cho lớp mẫu giáo 5 tuổi. Năm học 2021-2022, trường có 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, vận động và duy trì sĩ số trẻ đến lớp 100%.
Cô và trò Trường Mầm non Vàng Anh đang nô đùa cùng nhau. |
Còn tại Trường Mầm non Vàng Anh (xã Trà Sơn) có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Trong những năm qua, việc phổ cập giáo dục được trường thực hiện rất tốt. Trong năm học 2021-2022, có 193 học sinh đến lớp, việc phổ cập giáo dục tại trường đạt tỷ lệ 100%.
Cô Nguyễn Thị Thu Hồng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh cho hay, để đạt kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, theo cô Hồng, nhà trường phải xây dựng và duy trì thực hiện nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu, chương trình mới.
Nhà trường chú trọng công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp ngay từ đầu năm học. Đồng thời, quản lý, duy trì sĩ số, duy trì tỷ lệ chuyên cần và coi đó là một chỉ tiêu để xếp loại thi đua.
Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể của địa phương nhằm củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn.
Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được nhà trường tiếp tục chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và cộng đồng. Qua đó, giúp đỡ học sinh nghèo, tạo điều kiện để các em được đến trường.
Bên cạnh đó, ngoài ra, nhà trường thực hiện mô hình mới với chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” để trẻ được học, chơi thoả thích tại trường. Tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập thông qua vui chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ. Kỹ năng giao tiếp được nâng cao, trẻ mạnh dạn, tự tin cởi mở với bạn bè, với thày cô giáo và những người xung quanh...
“Trong năm học 2022-2023, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì tốt công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Hiện công tác điều tra trẻ trong độ tuổi đến trường đã hoàn tất, trong năm học mới có khoảng gần 200 trẻ trong độ tuổi đến trường”, cô Hồng cho biết.
Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục
Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho hay, những năm qua, các trường học thường xuyên cập nhật số lượng học sinh trong từng độ tuổi, tham mưu địa phương tuyên truyền về công tác huy động và duy trì sĩ số học sinh.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện cũng giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp thường xuyên theo dõi việc chuyên cần của học sinh của lớp, đặc biệt quan tâm đến những học sinh vắng học, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, kịp thời báo cáo nhà trường những học sinh vắng học.
Trẻ được tham gia các trò chơi tại trường. |
“Phân công giáo viên định kỳ đến tận nhà học sinh để vận động học sinh ra lớp. Các đơn vị đã xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục học sinh. Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh được thành lập ở các trường góp phần vào việc vận động và duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Tú cho biết.
Ngoài ra, các trường mẫu giáo làm tốt công tác theo dõi và chăm sóc sức khỏe, tăng cường tổ chức các lớp bán trú cho trẻ 5 tuổi, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ về thể chất và tinh thần, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng so với năm trước, 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo, chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ...
“Trong năm tới, ngành giáo dục tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học nhằm giúp học sinh có nơi học tập an toàn, lành mạnh, từng bước được tiếp xúc với khoa học, công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng học tập.
Bố trí đảm bảo cán bộ quản lý ở các cấp học, tỷ lệ giáo viên/lớp đối với cấp học Mầm non theo quy định. Đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục góp phần vào việc duy trì kết quả phổ cập giáo dục các cấp học”, ông Tú nhấn mạnh.