Quảng Nam: Phát triển du lịch miền núi gắn với bảo tồn văn hóa

GD&TĐ - Các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam đang phát triển ngành “công nghiệp không khói” theo hướng sinh thái và cộng đồng nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, tạo công ăn việc làm ổn định cho người Cơ Tu.

Phát triển gắn với bảo tồn

Miền núi tỉnh Quảng Nam với nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch, trong đó phải kể đến những nét độc đáo về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, qua đó góp phần cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng dân cư.

Khi cả nước bắt đầu chuyển “trạng thái thích ứng mới”, ngành du lịch bắt đầu mở cửa, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ trở lại sau thời gian “ngủ đông” do đại dịch Covid-19, trở thành một ngành kinh tế quan trọng ở nước ta.

Nhiều năm qua, các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn... đang được nhiều nơi áp dụng. Riêng ở miền núi tỉnh Quảng Nam, du lịch cộng đồng cũng từng bước phát triển, trong đó di sản văn hóa chính là tài sản, nguồn lực tạo nên sản phẩm du lịch.

Theo thời gian, lượng du khách đến với các bản làng của tỉnh Quảng Nam ngày một nhiều hơn. Có thể kể đến một số điểm nổi tiếng như: Làng truyền thống Cơ Tu, Làng cổ Pơmu, Đỉnh Quế, Đỉnh dừng chân Aliêng, khu du lịch Cộng đồng Ta lang, Pơ’Ning… Đây là những tiềm năng, lợi thế để địa phương khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh.

Từ đó cho thấy, phát triển du lịch ở miền núi là cần thiết để nâng cao thu nhập, thóat nghèo… nhưng đồng thời cũng đòi hỏi phải tuân thủ những quy định chung. Đặc biệt là phải bảo tồn cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa truyền thống.

Tại các khu điểm du lịch trên địa bàn huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) như: Khu du lịch sinh thái Cổng Trời, làng du lịch cộng đồng Bhơhôồng và Đhrôồng, các đơn vị đã phối hợp UBND huyện Đông đưa các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm – PV), sản phẩm đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, nông sản truyền thống của đồng bào Cơ Tu vào để giới thiệu, quảng bá đến với khách tham quan, tạo thêm thu nhập cho người dân.

Đây được xem là sự lồng ghép quảng bá du lịch, nhằm tạo sinh kế cho người dân, đồng thời tạo điểm nhấn cho du khách mỗi khi đến với nơi đây.

Vừa qua, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) có tổng diện tích hơn 120ha, do Công ty Cổ phần Du lịch Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) điều hành và đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 2.600 tỷ đồng sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan giai đoạn 1 từ ngày 29/4.

Theo đó, Cổng Trời Đông Giang tập trung theo 4 điểm nhấn gồm: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa bản địa, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu, bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang cho hay, đơn vị đã xây dựng một mô hình làng văn hóa Cơ Tu tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang.

Tại đây, các du khách khi đến tham quan sẽ được để trải nghiệm, giao lưu và biết thêm về những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu qua các điệu múa tâng tung da dá, lời ca, ẩm thực…

Khách du lịch “Check in” tại điểm du lịch Đỉnh Quế (huyện Tây Giang).
Khách du lịch “Check in” tại điểm du lịch Đỉnh Quế (huyện Tây Giang). 

Đưa sản phẩm địa phương vào du lịch, tạo sinh kế cho người dân

Tuy nhiên, để phát triển theo hướng lâu dài và bền vững, huyện Đông Giang đang xây dựng đề án về hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Cơ Tu gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Để triển khai thành công đề án, huyện khắc phục điểm yếu về nguồn lực đầu tư, nhất là tính chuyên nghiệp của người dân…

Ngoài ra, đối với các làng du lịch Cộng đồng, huyện Đông Giang sẽ sắm toàn bộ trống, chiêng và trang phục nhằm phục vụ biểu diễn múa tâng tung da dá, nói lý, hát lý, không còn kiểu người góp chiêng, người góp trống tự phát như trước.

Huyện sẽ củng cố ban quản lý, tổ hoạt động ở các làng theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn hướng dẫn viên cho cư dân bản địa, đẩy mạnh dệt thổ cẩm truyền thống, đan lát mây, tre nứa để làm quà lưu niệm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Để tạo được dấu ấn với du khách gần xa, huyện Đông Giang sẽ tiếp tục thực hiện liên kết giữa các điểm du lịch với nhau và kết hợp đưa các sản phẩm OCOP vào phục vụ du khách lập đề án phát triển dịch vụ ăn theo các dự án du lịch, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Không những vậy, từ khi bắt đầu khởi công xây dựng, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã tạo việc làm cho gần 100 lao động là đồng bào Cơ Tu tại huyện Đông Giang.

Khi khu du lịch bắt đầu khởi công xây dựng, chị BRíu Thị BRơn (26 tuổi), người dân xã Mà Cooih, huyện Đông Giang đã được nhận vào làm nhân viên chăm sóc cây xanh khu du lịch này.

Chị Bríu Thị BRơn cho hay, khi chưa có khu du lịch, những người đồng bào Cơ Tu muốn tìm một việc thì rất khó. Bởi nơi đây người dân chủ yếu làm nương rẫy.

“Khi vừa tốt nghiệp Đại học Nông lâm (Đại học Huế) thì tôi được nhận vào Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang để làm việc. Cuộc sống của tôi dần được cải thiện hơn. Một phần nữa, khi được làm việc trên chính quê hương của mình, tôi thấy rất tự hào vì đã góp một phần công sức vào việc phát triển du lịch ở quê hương của mình”, chị BRơn tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang cho hay, đơn vị đã đã làm việc với UBND huyện Đông Giang về các sản phẩm mà đồng bào Cơ Tu cung cấp, để làm sao ngoài việc phát triển du lịch thì cũng tạo điều kiện cho đồng bào ở có thêm các nguồn thu nhập.

“Hiện chúng tôi đã đưa được 12 sản phẩm vào giới thiệu tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang”, Bà Hương cho biết thêm.

Qua đó để thấy rằng, phát triển du lịch phải có sự bảo tồn, mà ở đây người dân địa phương chính là cái gốc sự bảo tồn đó.

Để du lịch ở khu vực miền núi Quảng Nam phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh về tài nguyên du lịch, văn hóa bản địa của các dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, tỉnh Quảng Nam đã và đang có những sự đầu tư bài bản, đúng hướng.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con dân tộc về giải pháp bảo vệ, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm kết nối đồng bộ các dịch vụ, tạo tour trọn gói và khép kín, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, tạo nên một điểm mới trong phát triển du lịch hướng đến bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.