Ngày đầu xét xử vụ án nguyên Phó Chủ tịch TPHCM và đồng phạm: Nguyễn Hữu Tín không nhận vai trò chủ mưu

GD&TĐ - Trả lời xét hỏi tại phiên tòa, ông Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận sai. Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT TPHCM) cho rằng mình bị oan sai.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín được lực lượng an ninh áp giải vào phiên tòa. Ảnh: C.Chương
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín được lực lượng an ninh áp giải vào phiên tòa. Ảnh: C.Chương

Ngày 26/12, Tòa án nhân dân TPHCM đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) và các đồng phạm, bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà - Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TPHCM làm chủ tọa. Phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 30/12.

Bị cáo Tín nhận sai, nhưng cho rằng không tư lợi

Trả lời xét hỏi tại phiên tòa, ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận: “Tôi biết tôi sai. Khi tôi nhận được văn bản của Bộ Công an và đề xuất của cơ quan tham mưu, tôi đã chấp nhận chủ trương chấp thuận thuê nhà đất 15 Thi Sách cho công ty bình phong của Bộ Công an”. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Hữu Tín cũng cho rằng “Không có động cơ, mục đích tư lợi trong vụ việc”.

Trước câu hỏi của chủ tọa phiên tòa: “Quyết định 2781 về việc chấp thuận chủ trương giao cho Công ty CPXD Bắc Nam 79 thuê đất, khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách do ai ký”, ông Nguyễn Hữu Tín trả lời: “Bị cáo là người trực tiếp ký. Cơ quan đề xuất là Sở TN&MT TPHCM, và Văn phòng UBND TPHCM rà soát, dự thảo văn bản để bị cáo ký”.

Đồng thời, ông Tín cũng trình bày khi ký Quyết định 2781, đã không thông qua Ban chỉ đạo 09 của TPHCM mà chỉ gửi theo quy trình.

Ông Nguyễn Hữu Tín lý giải: “Tôi đã làm sai nhưng vì Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 là doanh nghiệp đặc thù, trực thuộc Bộ Công an nên tôi đã bút phê cho anh Lê Văn Thanh giao Sở TN&MT TPHCM hướng dẫn. Bút phê này chỉ mang tính chất nội bộ, không phải là chỉ đạo ngành”.

Khi chủ tọa hỏi: “Cáo trạng có oan sai với bị cáo không?”, ông Nguyễn Hữu Tín trả lời: “Bị cáo xin chấp nhận, không oan sai gì nhưng nói bị cáo có vai trò chủ mưu thì mong HĐXX xem xét. Bị cáo không chỉ đạo làm sai, không có động cơ, mục đích tư lợi cá nhân”.

Bị cáo Đào Anh Kiệt kêu oan

Trả lời phần xét hỏi tại phiên tòa ngày 26/12, hầu hết các bị cáo đều nhận sai, chỉ có bị cáo Đào Anh Kiệt là người duy nhất cho rằng mình bị oan sai.

Bị cáo Kiệt trình bày: “Bị cáo có oan sai vì bị cáo không phải là đơn vị quản lý tài sản công, không thể xử lý giá trị tài sản được. Đây là nhiệm vụ của Công ty Quản lý nhà và Sở Tài chính tham mưu cho ủy ban. Xuyên suốt quá trình tham mưu cho ủy ban, bị cáo chỉ biết một mục đích duy nhất là giao nhà đất 15 Thi Sách vì nghiệp vụ an ninh, không phải vì mục đích thương mại”.

Đồng thời, bị cáo Đào Anh Kiệt cho rằng, nếu mục đích cho thuê làm thương mại dịch vụ giao sử dụng thương mại - dịch vụ thì phải đem ra đấu giá, hoặc chỉ định theo đúng quy định pháp luật. Nhưng riêng trường hợp này (đây là công ty bình phong của Bộ Công an), khi bị cáo nhận được văn bản của UBND TPHCM kèm văn bản của Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bị cáo nhận thức đây là nhiệm vụ an ninh, không thuộc thẩm quyền của mình, nên trình UBND TPHCM quyết định.

Liên quan đến Quyết định 2781 chấp thuận chủ trương giao nhà đất 15 Thi Sách theo hình thức chỉ định cho Công ty CPXD Bắc Nam 79, bị cáo Kiệt trình bày “Quyết định 2781 do Sở TN&MT tham mưu, bị cáo là giám đốc, bị cáo phải chịu trách nhiệm về tham mưu đó”.

Một số văn bản sẽ tự động giải mật

Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Thành Công bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt nêu ý kiến về tài liệu mật. Nhiều lần gửi ý kiến về giải mật một số tài liệu của vụ án nhưng không tiếp cận được nhiều thông tin, gây khó khăn trong quá trình bào chữa cho thân chủ.

Liên quan đến vấn đề giải mật một số tài liệu theo kiến nghị của luật sư, chủ tọa phiên tòa cho hay TAND TPHCM đã gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa có phản hồi tích cực. Chủ tọa cho biết trong quá trình xét xử, nếu cần thiết, HĐXX vẫn tiếp tục yêu cầu giải mật các tài liệu trong vụ án.

Phía đại diện Viện KSND TPHCM cho biết trong vụ án “Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm” với 4.000 bút lục sẽ có rất nhiều văn bản mật, tối mật, tuyệt mật. Tuy nhiên, VKS không biết luật sư sẽ áp dụng văn bản và cụ thể công văn nào nên “sẽ không có hướng dẫn cụ thể”.

Đồng thời, Viện KSND TPHCM cho rằng, đây là phiên tòa công khai, tuyên án công khai, cho nên khi HĐXX đưa vụ án ra xét xử công khai sẽ có một số văn bản tự động giải mật. Đó là những văn bản được đề cập trong kết luận điều tra, cáo trạng.

Trong phần thủ tục, chủ tọa thông báo trong hồ sơ vụ án có một số tài liệu thuộc danh mục mật, tối mật chưa được giải mật, vì vậy HĐXX đề nghị người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng, đặc biệt là luật sư, lưu ý khi sử dụng.

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 27/12.

Theo cáo trạng, năm 2014, Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) đã lợi dụng danh nghĩa “tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an” ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà đất số 15 Thi Sách nhằm phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an.
Tuy nhiên, sau khi được UBND TPHCM giao nhà đất trên, Phan Văn Anh Vũ không sử dụng vào mục đích hoạt động nghiệp vụ của ngành mà hợp tác triển khai thực hiện dự án xây dựng trên khu đất 15 Thi Sách nhằm thu lợi cá nhân. 
Quá trình điều tra mở rộng vụ án Vũ “nhôm” và đồng phạm, ngày 17/9/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đối với ông Nguyễn Hữu Tín và 4 bị cáo khác tại TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ