Nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm hầu tòa

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín được lực lượng an ninh áp giải vào phòng xét xử. Ảnh: C.Chương
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín được lực lượng an ninh áp giải vào phòng xét xử. Ảnh: C.Chương

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT TPHCM) được lực lượng an ninh đưa vào phòng xét xử khoảng 8h10 theo lối đi riêng.

Các bị cáo được tại ngoại: Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM), Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng Đô thị, Văn Phòng UBND TPHCM) và một số luật sư bào chữa có mặt tại phiên tòa từ rất sớm.

Hội đồng xét xử. Ảnh chụp qua màn hình tivi.
 Hội đồng xét xử. Ảnh chụp qua màn hình tivi.

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà - Phó chánh tòa Hình sự, TAND TPHCM làm chủ tọa và kéo dài đến ngày 30/12. Phía đại diện Viện KSND TPHCM tham gia phiên tòa theo sự phân công của Viện KSND tối cao là ông Nguyễn Đức Bằng, ông Ngô Phạm Việt, bà Lê Thị Đông.

Tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín có 2 luật sư: Nguyễn Thị Huyền Trang và Trần Minh Hải thuộc Đoàn Luật sư TPHCM; Bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt là luật sư Nguyễn Thành Công thuộc Đoàn Luật sư TPHCM; Bào chữa cho bị cáo Lê Văn Thanh và bị cáo Nguyễn Thanh Chương là luật sư Huỳnh Văn Nông thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM...

Bị cáo Đào Anh Kiệt được đưa vào phiên tòa. Ảnh C.Chương
 Bị cáo Đào Anh Kiệt được đưa vào phiên tòa. Ảnh C.Chương

Mở đầu, chủ tọa phiên tòa thông báo các quy định của trình tự tố tụng và điểm danh,thẩm vấn các bị cáo, bị can, đơn vị, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đồng thời lưu ý các đương sự  trong việc sử dụng cung cấp thông tin liên quan đến các hồ sơ mật của vụ án.

Phiên tòa bắt đầu với phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Hữu Tín. Bị cáo Nguyễn Hữu Tín trông  khỏe, tóc hầu như bạc trắng.

Lực lượng an ninh kiểm tra các đối tượng vào dự phiên tòa
Lực lượng an ninh kiểm tra các đối tượng vào dự phiên tòa

Luật sư Nguyễn Thành Công bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt nêu ý kiến về tài liệu mật, nhiều lần gửi ý kiến về giải mật một số tài liệu của vụ án nhưng không tiếp cận được nhiều thông tin, gây khó khăn trong quá trình bào chữa cho thân chủ.

Liên quan đến vấn đề giải mật một số tài liệu theo kiến nghị của luật sự, chủ tọa phiên tòa cho hay TAND TPHCM đã gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng liên quan nhưng đến nay chưa có phản hồi tích cực.

Sau phiên tòa kết thúc các bị cáo có 15 ngày để xin tòa án cấp cao xét xử phúc thấm theo trình tự tố tụng.  

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Hữu Tín và bị cáo Đào Anh Kiệt đang bị tạm giam tại trại giam T16 (Hà Nội), các bị cáo còn lại đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo đó, để phục vụ cho công tác xét xử, TAND TPHCM đã yêu cầu cơ quan điều tra di lý bị can Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt từ trại giam T16 vào trại giam T17 (huyện Củ Chi, TPHCM).

Theo Cáo trạng của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm gồm: Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT TPHCM), Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM), Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng Đô thị, Văn Phòng UBND TPHCM) - cùng bị xét xử tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo điều 219 Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Hữu Tín bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 10-20 năm tù.

Theo cáo trạng, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm” – Giám đốc Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) đã lợi dụng danh nghĩa công ty là tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an, ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà đất số 15 Thi Sách nhằm phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành công an.

Vụ án ông Tín cùng đồng phạm bị phanh phui khi cơ quan điều tra mở rộng vụ án Vũ “nhôm” và đồng phạm thực hiện tại TP Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác.

Kết quả điều tra, cơ quan chức năng xác định, trong thời gian giữ chức vụ Phó chủ tịch TPHCM phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai (giai đoạn 2011-2016), ông Nguyễn Hữu Tín biết rõ khu đất 15 Thi Sách (Q.1) là tài sản của Nhà nước, nhưng khi Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (gọi tắt Công ty Bắc Nam 79, do Vũ "nhôm" làm giám đốc và Bộ Công an có đề nghị thuê đất, ông Tín đã không báo cho Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) tham mưu mà tự ý bút phê chỉ đạo "giao Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn thủ tục".

Kết luận giám định tư pháp của Bộ Tài chính cũng đã khẳng định việc UBND TPHCM ban hành các văn bản, quyết định cho Công ty Bắc Nam 79 được thuê đất tại số 15 Thi Sách là không thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất được quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.