Di lý bị cáo Nguyễn Hữu Tín vào TPHCM để xét xử: Nguyên Phó Chủ tịch TPHCM đối diện án 10 - 20 năm tù

GD&TĐ - Tòa án Nhân dân TPHCM đã có yêu cầu cơ quan điều tra di lý ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) từ Hà Nội vào TPHCM để phục vụ công tác xét xử. Dự kiến vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm công khai từ 26/12.

Khu nhà đất 15 Thi Sách (Q.1, TPHCM) – tài sản liên quan đến vụ án. Ảnh IT
Khu nhà đất 15 Thi Sách (Q.1, TPHCM) – tài sản liên quan đến vụ án. Ảnh IT

Đối diện từ 10 - 20 năm tù

Ông Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt bị tạm giam tại trại T16 (Hà Nội). Các bị can còn lại đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo đó, để phục vụ cho công tác xét xử, TAND TPHCM đã yêu cầu cơ quan điều tra di lý ông Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt từ trại giam T16 vào T17 (huyện Củ Chi, TPHCM).

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm gồm: Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT TPHCM), Trương Văn Út (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM), Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn Phòng UBND TPHCM) - cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo điều 219 Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Hữu Tín bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù.

Phiên tòa dự kiến do thẩm phán Nguyễn Thị Hà - Phó chánh tòa Hình sự, TAND TPHCM làm chủ tọa phiên tòa. Dự kiến kéo dài từ 26 - 30/12. Hiện, đã có 3 luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Tín.

Theo cáo trạng, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm” – Giám đốc Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) đã lợi dụng danh nghĩa công ty là tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an, ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà đất số 15 Thi Sách nhằm phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành công an.

Vụ án ông Tín cùng đồng phạm bị phanh phui khi cơ quan điều tra mở rộng vụ án Vũ “nhôm” và đồng phạm thực hiện tại TP Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác.

Kết quả điều tra, cơ quan chức năng xác định, trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch phụ trách xây dựng, quản lý đất đai, Nguyễn Hữu Tín biết rõ khu đất 15 Thi Sách (Q.1) là tài sản của Nhà nước.

Nhưng khi Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (gọi tắt Công ty Bắc Nam 79), do Vũ “nhôm” làm Giám đốc và Bộ Công an có đề nghị thuê đất, ông Nguyễn Hữu Tín đã không báo cho Chủ tịch TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) tham mưu mà tự ý bút phê chỉ đạo “giao Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn thủ tục”.

Kết luận giám định tư pháp của Bộ Tài chính cũng đã khẳng định, việc UBND TPHCM ban hành các văn bản, quyết định cho Công ty Bắc Nam 79 được thuê đất tại số 15 Thi Sách là không thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất được quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Hữu Tín trực tiếp ký hợp đồng thuê đất tại số 15 Thi Sách, trực tiếp bút phê chỉ đạo Sở TN&MT TPHCM hướng dẫn thủ tục. Các bị can Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương, Đào Anh Kiệt tham mưu cho ông Tín ký ban hành chủ trương quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 6,7 tỷ đồng.

Liên quan đến những sai phạm trong việc chuyển giao dự án này, Phan Văn Anh Vũ đã bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt mức án 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trần Việt Tân (64 tuổi, cựu Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) nhận 36 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Vũ “nhôm” và các đồng phạm. Ảnh: IT
 Ông Nguyễn Hữu Tín, Vũ “nhôm” và các đồng phạm. Ảnh: IT

Kiến nghị giải mật hồ sơ

Cuối tháng 11 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã nhận được chỉ đạo khẩn của UBND liên quan đến những kiến nghị của luật sư (LS) về vụ án ông Nguyễn Hữu Tín và những người liên quan.

Các LS đã gửi bốn văn bản đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu và giải mật tài liệu liên quan đến vụ án. Từ những kiến nghị này, Phó Chủ tịch Ngô Minh Châu đã chỉ đạo Sở Tư pháp TPHCM chủ trì, phối hợp với Công an TPHCM nghiên cứu các đề nghị của LS, thống nhất tham mưu cho TP xem xét các đề nghị này theo đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, cuối tháng 9/2019, TAND TPHCM đã tiếp nhận hồ sơ truy tố từ Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, thụ lý xem xét và chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, các LS cho rằng vụ án có nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên kiến nghị tòa trả hồ sơ.

Cụ thể, LS cho rằng về kết luận giám định tư pháp sử dụng trong hồ sơ là chưa làm rõ và không đúng sự thật khách quan dẫn đến nội dung của cáo trạng truy tố các bị cáo chưa chính xác, thiếu căn cứ.

Đồng thời, LS đề nghị tòa xem xét tính pháp lý của các tài liệu, văn bản mật trong vụ án để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải mật nhằm phục vụ cho quá trình xét xử. Theo LS, tất cả tài liệu, văn bản có trong hồ sơ của vụ án, bao gồm cả các tài liệu mang dấu mật, buộc phải được công khai tại phiên tòa để làm rõ sự thật khách quan của vụ án nhằm làm căn cứ cho HĐXX nhận định và tuyên án.

Khi tòa xét xử công khai, các tài liệu, văn bản mật sẽ bị tiết lộ. Việc giải mật giúp người bào chữa có thể sử dụng công khai các tài liệu có trong vụ án mà không vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.