Ngày đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Thí sinh thận trọng chọn ngành, chọn trường

GD&TĐ - Ghi nhận trong ngày 26/8 cho thấy tại một số trường ĐH, CĐ và Sở GD&ĐT, khá vắng thí sinh trong ngày đầu tiên xét tuyển đợt 2 - nguyện vọng bổ sung.

Thí sinh trao đổi thông tin về tuyển sinh ĐH, CĐ
Thí sinh trao đổi thông tin về tuyển sinh ĐH, CĐ

Không khí tại các trường khá nhẹ nhàng, lượng thí sinh nộp hồ sơ trong ngày 26/8 tại các trường cũng chưa cao. Điều này nhiều trường cũng tiên lượng trước vì thí sinh thường phải có một thời gian nhất định để cân nhắc trước khi nộp hồ sơ. 

Đánh giá của nhiều phụ huynh và thí sinh trong buổi sáng nộp hồ sơ cho thấy, họ khá thoải mái và tự tin lựa chọn ngành học cho con mình.

Lác đác tại trường

Có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất đông trong đợt 1, nhưng trong ngày 26/8, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng chỉ có khoảng 30 thí sinh trực tiếp đến trường nộp hồ sơ. 

Thầy Phạm Thành Công - Phó Trưởng phòng Đào tạo - cho biết: Trong 20 ngày xét tuyển vừa qua, đã có 7.492 thí sinh trúng tuyển vào trường, như vậy, không còn chỉ tiêu cho bậc ĐH. Do đó, đợt 2 này, trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển CĐ với 1.717 chỉ tiêu.

Tương tự, tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, thí sinh đến trường nộp hồ sơ trong ngày 26/8 khá vắng vẻ. Hiệu trưởng Phan Quang Thế cho biết: Không chỉ đợt 2, ngay cả đợt 1, tình hình tuyển sinh của trường đều diễn ra đều đặn, suôn sẻ, không có ngày nào quá “nóng”. 

“Chúng tôi đã tuyển được 75% trong đợt 1 với mức điểm trúng tuyển từ 15 - 17 điểm. 25% chỉ tiêu còn lại chủ yếu thuộc về một số ngành dạy bằng chương trình tiếng Anh, ngành Môi trường, Kinh tế công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật...” - Thầy Phan Quang Thế cho hay.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong đợt xét tuyển này còn khoảng 1.400 chỉ tiêu ĐH và 600 chỉ tiêu CĐ. Ghi nhận tình hình nộp hồ sơ tại trường khá vắng vẻ trong ngày 26/8. 

Tình hình cũng tương tự tại Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Theo thầy Phạm Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng, các trường CĐ có lẽ sẽ vắng thí sinh đến xét tuyển trong đợt này, vì nhiều trường ĐH công lập vẫn còn chỉ tiêu, nên sẽ phải tiếp tục ở các đợt xét tuyển tiếp theo.

Tại Đà Nẵng, nhiều trường ĐH, CĐ đã tiến hành khâu chuẩn bị rất chu đáo cho đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Như Trường CĐ Thương mại, ngoài bố trí lực lượng tình nguyện viên làm nhiệm vụ hướng dẫn cho đón tiếp thí sinh và người nhà ngay ở khu vực cổng trường còn tổ chức các bàn tư vấn sâu về ngành học, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp cũng như những dịch vụ hỗ trợ của nhà trường trong quá trình học tập của SV. 

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trường CĐ có 1.100 chỉ tiêu trong tổng số 2.100 chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Thầy Nguyễn Hoàng Tứ - Trưởng phòng Đào tạo - cho biết: 

"Việc tổ chức triển khai có hiệu quả công tác tư vấn trước và trong tuyển sinh sẽ góp phần giúp nhà trường giảm được đáng kể số lượng hồ sơ ảo. 

Thông qua tư vấn sâu cũng là cách nhà trường cam kết chất lượng với người học”. Trong ngày đầu tiên của đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1, Trường CĐ Thương mại nhận được gần 60 hồ sơ do thí sinh nộp trực tiếp.

Riêng Trường CĐ Phương Đông, số lượng hồ sơ nộp trực tiếp trong ngày đầu tiên là 300 hồ sơ, chủ yếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành chăm sóc sức khỏe và mầm non. 

Trường CĐ Phương Đông có 1.100 chỉ tiêu vào các ngành học bậc CĐ và 2.500 chỉ tiêu cho bậc trung cấp, trong đó, đã có 700 thí sinh trúng tuyển ở đợt 1.

Trường ĐH Duy Tân chỉ còn 30% trong số 5.500 chỉ tiêu dành cho đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ngày đầu tiên, nhà trường đã nhận được 150 hồ sơ, chủ yếu là hồ sơ do thí sinh đến nộp trực tiếp.

ĐH Đà Nẵng chỉ còn 1.953 chỉ tiêu vào các trường CĐ Công nghệ (789 chỉ tiêu), CĐ Công nghệ thông tin (900 chỉ tiêu) và Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon tum (190 chỉ tiêu ĐH và 74 chỉ tiêu CĐ). 

Trong ngày đầu tiên, ĐH Đà Nẵng mới chỉ nhận được 50 hồ sơ ĐKXT. ĐH Đà Nẵng duy trì 3 bàn nhận hồ sơ ĐKXT nộp trực tiếp.

Ghi nhận tại một số trường tại TPHCM như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Hutech, Tài Nguyên & Môi trường, Văn Hiến, Văn Lang…. cho thấy, phụ huynh và thí sinh khá thoải mái nghiên cứu, lựa chọn ngành học cho con em mình trong ngày đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung. 

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngoài việc được lực lượng tư vấn tại chỗ, thông tin ngành nghề được đưa ra ngay tại phòng tuyển sinh, thí sinh và phụ huynh còn được tham quan cơ sở vật chất của nhà trường.

Thầy Nguyễn Anh Sơn - Phó phòng Tuyển sinh - cho biết: Trong ngày đầu tiên, lượng hồ sơ xét tuyển NVBS trường nhận được từ nhiều kênh khoảng hơn 350 hồ sơ cho tất cả các ngành. Với 50% chỉ tiêu còn lại của trường, cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh có mức điểm từ 17 - 20 là rất lớn. 

Tuy nhiên, điều quan trọng theo thầy Sơn là thí sinh cần phải hết sức tỉnh táo để lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở thích của mình. Bởi ở đợt xét tuyển này, thí sinh không được quyền rút hồ sơ nữa nên các em cần tự tin với lựa chọn của mình.

Trong ngày đầu của đợt 2, Trường ĐH Văn Hiến cũng đã thu nhận được xấp xỉ 400 hồ sơ. Trường ĐH Văn Hiến TPHCM hiện còn khoảng hơn 1.000 chỉ tiêu. 

Đặc biệt, với những thí sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, cao đẳng nghề được xem xét công nhận các học phần đã học để rút ngắn thời gian đào tạo khi nộp hồ sơ vào trường.

Vắng vẻ ở Sở

Không chỉ ở trường ĐH, tuyến các Sở GD&ĐT và trường THPT cũng khá vắng thí sinh.

Có nhiệm vụ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cho thí sinh toàn huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), Trường THPT Tháp Mười trong ngày 26/8 chỉ nhận được duy nhất một bộ hồ sơ. 

“Vì đây là ngày đầu tiên nên vắng thí sinh, chắc chắn những ngày tới sẽ có nhiều em đến nộp hồ sơ hơn” - Thầy Nguyễn Văn Định, Hiệu trưởng, cho biết.

Tại Bến Tre, sáng 26/8, Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc hướng dẫn đăng ký xét tuyển NVBS vào các trường ĐH, CĐ. 

Trong đó ghi rõ, các thí sinh có yêu cầu đăng ký xét tuyển NVBS có thể làm đơn đăng ký, đến nộp trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi theo thời gian quy định của từng đợt xét tuyển. 

Khi thu nhận đơn đăng ký nguyện vọng bổ sung, lưu ý rà soát lại mã vạch của phiếu điểm sử dụng và các thông tin đăng ký để đảm bảo tính chính xác, phối hợp với các trường THPT được Sở GD&ĐT giao tài khoản cập nhật lên phần mềm quản lý trực tuyến để chuyển thông tin của thí sinh về các trường ĐH, CĐ trong từng buổi.

Người ký văn bản này, thầy Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Văn bản này được Sở GD&ĐT ban hành sáng 26/8 nên số thí sinh đến Sở GD&ĐT và trường THPT dù có nhưng chưa nhiều.

Trường ĐH Hutech (TPHCM) trong ngày 26/8 đã có cho mình 700/2.100 chỉ tiêu cho các nhóm ngành.                                                                                                                                                         ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM chỉ mới tuyển được khoảng 1/3 chỉ tiêu của trường (khoảng 400/1.000 chỉ tiêu) ở đợt xét tuyển NV1. Do đó, đợt xét tuyển NVBS lần này, trường còn khoảng 700 chỉ tiêu ở 7 ngành bậc ĐH và 6 ngành bậc CĐ.                                                                                                                                                                 Trong đó, đối với hệ ĐH, ngành Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin lấy điểm xét tuyển là 15 điểm, các ngành Marketing, Luật Kinh tế, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Ngôn ngữ Anh dao động từ 16 - 17 điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ