(GD&TĐ) - Trên thế giới, ở nhiều nước, người ta coi ngày 1/4 là ngày cười, ngày nói dối. Ngày đặc biệt này vì đâu mà có thì vẫn chưa ai biết đích xác. Chỉ biết rằng, ngày 1/4 hàng năm vẫn thường mang lại cho mọi người nhiều thú vị, những kỷ niệm vui và thêm sắc màu cho cuộc sống.
Tiếng cười mang lại niềm vui cho cuộc sống |
Có thuyết cho rằng, thời xưa, nhiều dân tộc đón năm mới vào ngày 1/4. Vào ngày đó, mọi người tặng quà, chúc tụng nhau những điều vui vẻ. Cho đến khi ngày 1/1 được chọn là ngày Tết thì ngày 1/4 trở thành ngày "Tết giả". Tuy nhiên, nhiều người đã không quên ngày này. Chính vì thế mới xuất hiện tập tục tặng nhau những trò đùa hóm hỉnh, hài hước, bông đùa gây cười.
Từ thời cổ đại, cứ vào ngày 1/4, ngày cười, người La Mã lại tổ chức "Ngày hội của những người nhẹ dạ, cả tin".
Ở Tây Ban Nha, ngày 1/4 được gọi là "Ngày của những thằng ngốc".
Ở Scot-len lại đặt tên ngày 1/4 là "Ngày của chim tu hú".
Trong các làng quê của đất nước Phần Lan, vào ngày 1/4 người lớn thường kể cho trẻ con nghe những câu chuyện cười đến đau cả bụng.
Hơn 50 năm nay, ở Italia, năm nào ngày 1/4 người ta cũng tổ chức "Cuộc thi của những thằng Cuội".
Ở Indonexia, ngày này người ta tổ chức thi nói dối và tâng bốc.
Ở nước Anh, ngày 1/4, cả báo chí cũng tham gia gây cười bằng cách đưa những bản tin bông đùa.
Cũng bởi sự góp mặt của những ngày hội, những cuộc thi nói dối, những dòng tin "vịt" của báo chí,... nên ngày 1/4 đã dần biến thành "ngày nói dối".
Tuy tên gọi có thể khác nhau ở mỗi nước, nhưng đây thực sự là những ngày hội vui cười. Điều đáng nói là tiếng cười có tác dụng to lớn và không ai có thể phủ nhận ý nghĩa quan trọng của nó trong đời sống của con người.
Ở Việt Nam, ông cha ta từng ca ngợi,
" Răng đen em nhoẻn miệng cười
Dẫu trời đương nực cũng ngơi cơn nồng"
Người Việt Nam cũng đánh giá,
" Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ"
và
" Trăm quan mua lấy nụ cười
Nghìn quan mua lấy một người răng đen"
Như vậy, bán 10 nụ cười là đủ tiền cưới được một cô vợ xinh đẹp, đảm đang. Ở Việt Nam, nụ cười đắt giá lắm thay!
Trong lịch sử, trong văn hóa, văn chương, nghệ thuật, trong đời sống thực tế ở nhiều nước trên thế giới, đã ghi lại nhiều câu chuyện, nhiều sự việc nói lên tác dụng to lớn và vai trò quan trọng của tiếng cười.
Ở Trung Quốc từ thời cổ đại đã có câu chuyện tiếng cười làm mất nước. Đây là chuyện vua U Vương nhà Chu mê đắm, đến ngu muội, tiếng cười của mĩ nhân Bao Tự để đến nỗi mất nước và mất cả tính mạng. Người Trung Quốc cũng có câu ngạn ngữ "Người nào không biết mỉm cười thì đừng nên mở tiệm" nghĩa là người không biết cười thì đừng nên làm nghề buôn bán, dịch vụ.
Ở đất nước Singapore, cách đây vài năm, Uỷ ban truyền thông xã hội của nước này đã tổ chức cuộc thi toàn quốc "Nụ cười thắm ngọt mùa xuân", thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Người đoạt giải nhất được thưởng tới 1.500 đô la Mỹ. Thông qua cuộc thi họ muốn giáo dục giới trẻ và mọi người dân sống chân thành, cởi mở hơn trong các mối quan hệ xã hội.
Người phương Tây cũng có câu ngạn ngữ: "Ai giàu mà không có tiếng cười, vẫn nghèo. Người nghèo mà sẵn có tiếng cười thì vẫn còn cái vốn vô tận".
Nước Anh nổi tiếng với kiểu "cười phớt Ăng - lê" và cũng là một trong những quốc gia để tâm nghiên cứu tiếng cười và đi tiên phong dùng "liệu pháp cười" để chữa bệnh. Họ đã thành lập "Bệnh viện thực hành tiếng cười" vào năm 1992, liên kết chữa trị cho nhiều bệnh nhân.
Ở đất nước Bun - ga - ri có làng cười Ga - brô - vô. Điểm đặc sắc của dân làng Ga - brô - vô là không chỉ sáng tác chuyện cười, nói chuyện tếu táo gây cười mà họ còn đưa thủ pháp gây cười vào trong cử chỉ, hành vi hàng ngày.
Ở Đức, từ nhiều năm trước, tập đoàn Karatadt đã chi hơn 30 triệu Mác để xuất bản bộ cẩm nang 4 quyển dành cho 40.000 nhân viên tập đoàn học tập. Bộ sách cung cấp kiến thức về phông giao tiếp thương mại văn minh và dạy thực hành....cười làm sao cho nụ cười được "nở" đúng lúc, đúng chỗ và đúng cả "kích cỡ" nữa.
Ở nước Mỹ, tập đoàn Safiway có hẳn một điều khoản ghi trong hợp đồng với người lao động là khi tiếp xúc với khách hàng, các nhân viên phải luôn luôn giữ nụ cười trên môi. Để khỏi mất việc làm, rất nhiều người đã phải theo học các khóa bổ túc về phong cách phục vụ và ứng xử với các vị khách khó tính. Các khóa học đó chính là "Trường học nụ cười".
Người Việt cười rèn luyện sức khỏe |
Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc thích cười, thích sáng tác và sưu tầm truyện cười. Trong cuộc sống hàng ngày, hầu như trong mọi cuộc "buôn dưa lê" hay "tám gẫu", các tình tiết gây cười là không thể thiếu, nó như một thứ gia vị làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và lôi cuốn hơn.
Khách du lịch quốc tế từng đến Việt Nam đều cho rằng, người dân ta rất thân thiện, cởi mở và dễ mến. Đó là bởi vì dân ta luôn nở nụ cười trên môi mỗi lúc gặp nhau, hay chuyện trò tếu táo, tạo niềm vui cho nhau.
Cố nhà văn Nguyễn Tuân từng nói "Tổ tiên ta đúng là những nghệ sĩ tạo hình cho tiếng cười Việt Nam, tạo cho tiếng cười bao nhiêu là bóng dáng và có cả một cái gì như là một biên chế đầy đủ thang bậc về tiếng cười"
Việt Nam có những "làng cười" rất có tiếng. Ở tỉnh Phú Thọ có làng cười Văn Lang, tỉnh Quảng Trị có làng cười Vĩnh Hoàng, ở tỉnh Hà Bắc cũ còn có tới 14 làng cười....
Người Việt cười trong đời sống và cười trong văn, thơ, nhạc, họa. Tiếng cười Việt thường gắn với trí tuệ. Nó như một thứ trò chơi hấp dẫn của những người thông minh. Nghe, đọc, xem truyện cười là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.
Trong cuộc sống khẩn trương, bộn bề lo toan với nhịp sôi động ngày nay, nhu cầu tiếng cười càng trở nên cần thiết. Vì thế nhiều trang cười, góc cười, góc thư giãn, câu lạc bộ cười,... đã xuất hiện và là chuyên mục hút độc giả của báo chí. Ở nhiều nơi đã xuất hiện cả những Câu lạc bộ Cười để rèn luyện sức khỏe với tiêu chí "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", thu hút sự tham gia hào hứng của rất nhiều người.
Nụ cười chẳng mất tiền mua nhưng tác dụng của nó lại rất to lớn, rất quan trọng. Nụ cười gồm nhiều cung bậc: cao, thấp, to, nhỏ, kích cỡ khác nhau. Tiếng cười như một bản nhạc, người nào biết tấu bản nhạc cười của mình một cách nghệ thuật nhất, người đó sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn và sẽ thành công hơn trong nhiều công việc và trong cuộc sống.
Lộc Hà