(GD&TD)-Chiều 26/7, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình.
Hà Nội sẽ phát triển 5 đô thị vệ tinh (ảnh H.Anh) |
Theo kế hoạch, sáng ngày 29/7, Bộ Xây dựng sẽ công bố quy hoạch này và từ đầu tháng 8 người dân sẽ được xem quy hoạch Hà Nội tại Cung Quy hoạch quốc gia đặt tại Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội).
Quy hoạch khẳng định: trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình. Tuy nhiên, một số bộ, ngành sẽ chuyển trụ sở đến khu Mỹ Đình và khu Tây Hồ Tây. Không quy hoạch các cơ quan Chính phủ tại Ba Vì…
Cũng theo quy hoạch, Hà Nội có đô thị trung tâm từ vành đai IV trở vào là trung tâm chính trị, văn hóa, dịch vụ, y tế, giáo dục chất lượng cao của cả nước.
Đô thị trung tâm gồm có khu nội đô lịch sử và khu nội đô mở rộng. Khu vực này sẽ là trung tâm lớn về giao thương, về nghiên cứu khoa học công nghệ, về giáo dục đào tạo.Mỗi đô thị vệ tinh của Thành phố sẽ có những đặc thù riêng nhưng nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ, chia sẻ cho khu đô thị trung tâm như chức năng đào tạo, y tế, du lịch, công nghiệp và phân bổ dân cư.
Xây mới khu, cụm trường Đại học, bệnh viện, nhà máy gây ô nhiễm tại khu vực ngoại thành + Xây dựng mới 3.500-4.500 ha các khu, cụm đại học, gồm: Gia Lâm khoảng 200-250 ha (5-6 vạn sinh viên); Sóc Sơn khoảng 600-650 ha (8-10 vạn sinh viên); Sơn Tây khoảng 300-350 ha (4-5 vạn sinh viên); Hòa Lạc khoảng 1.000-1.200 ha (12-15 vạn sinh viên); Xuân Mai khoảng 600-650 ha (8-10 vạn sinh viên); Phú Xuyên khoảng 100-120 ha (1,5-2 vạn sinh viên); Chúc Sơn khoảng 150-200 ha (2-3 vạn sinh viên). + Đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia như: trung tâm đào tạo - khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược - trang thiết bị y tế và cơ sở 2 cho các bệnh viện Trung ương và Thành phố tại các khu vực Gia Lâm - Long Biên (khoảng 50 ha), Hòa Lạc (khoảng 200 ha), Sóc Sơn (khoảng 80-100 ha), Phú Xuyên (khoảng 200 ha), Sơn Tây (khoảng 50 ha). |
Minh Duy