Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, vì thế vấn đề nguồn nhân lực được đặt ra như là một yếu tố quan trọng hàng đầu.
Nhu cầu nhân lực ngày một tăng
Nông nghiệp trong con mắt người Việt Nam nói chung, đa phần không được xem là một ngành nghề có thể đem lại sự giàu có, ổn định kinh tế cho bản thân và gia đình. Mặc dù ai cũng biết Việt Nam là một nước thuần nông với nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào nông nghiệp. Đây cũng là lý do khiến nhiều học sinh tốt nghiệp THPT không chọn ngành nông nghiệp.
Số liệu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho thấy, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản những năm gần đây thường chỉ chiếm khoảng 2 - 5% tổng quy mô tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, số cơ sở đào tạo liên quan đến ngành nông nghiệp cũng còn khá thưa thớt. Hiện cả nước chỉ có 13 trường ĐH, CĐ có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp; 60% trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, trung cấp nghề, trung tâm nghề có dạy nghề nông, lâm nghiệp. Số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ khối ngành nông, lâm nghiệp ra trường hàng năm không cung ứng đủ nhu cầu xã hội. Theo nhận định, Việt Nam vẫn chưa nắm được nhu cầu nguồn nhân lực nông, lâm nghiệp về số lượng và cơ cấu ngành nghề; chưa dự báo được thị trường nguồn nhân lực nông, lâm nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, nhân lực ngành nông nghiệp hiện đang thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng. Trong khi xu thế hội nhập, hướng phát triển ngành nông nghiệp sẽ là nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại với sự tham gia của nhiều ngành, được tự động hóa toàn diện, áp dụng những quy trình canh tác, chăn nuôi tiên tiến để sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế, tham gia được vào các thị trường khó tính trên thế giới. Để có thể vận hành một nền nông nghiệp hiệu quả như vậy, tất nhiên phải là các nông dân có kiến thức và trình độ kỹ thuật cao.
Không lo thất nghiệp
Hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực thúc đẩy, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đều được hỗ trợ, đây là một chủ trương đúng đắn nhằm phát triển nền nông nghiệp trình độ cao và bền vững.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, với xấp xỉ 80% lao động trong độ tuổi chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, thì thành công của nông nghiệp công nghệ cao không chỉ dựa vào vốn, đất, thể chế, mà quan trọng hơn là yếu tố nhân lực. Điều này đang mở ra nhiều cơ hội cho những học sinh, sinh viên có xu hướng theo học ngành nông nghiệp.
Trong những năm gần đây, đối với các ngành học thuộc khối ngành nông lâm ngư, gần như 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm, do doanh nghiệp nông nghiệp luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Sinh viên khối ngành nông nghiệp sau khi ra trường có cơ hội nghề nghiệp rất đa dạng và phong phú. Họ có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường ĐH, CĐ, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến nông nghiệp - môi trường từ Trung ương đến địa phương, các công ty thức ăn gia súc, thuốc thú y, công ty thực phẩm, công ty giống cây trồng vật nuôi, các tập đoàn - công ty trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các công ty chuyên khoa học đời sống, công ty phân bón, những trang trại, hợp tác xã nông nghiệp… Đồng thời, cũng có thể tự tạo lập công việc trong sản xuất, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp trở thành những ông chủ, doanh nhân, giám đốc công ty, doanh nghiệp.