Dù nhu cầu nhân lực nhóm ngành trên chưa bao giờ hết “khát” vì số lượng nguồn cung nhỏ giọt nhưng thí sinh vẫn quay lưng. Để hút thí sinh, nhiều trường đã đẩy mạnh công tác tư vấn và truyền thông.
Nhiều ngành “săn” người học
Những năm qua, nhóm ngành truyền thống nông lâm, ngư nghiệp của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM như công nghệ chế biến lâm sản, lâm học, lâm nghiệp đô thị, quản lý tài nguyên rừng đều tuyển không đủ 100% chỉ tiêu. Việc nhóm ngành học trên “kén” người học đã buộc trường phải thông báo xét tuyển bổ sung nhưng vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.
Tương tự, nhóm ngành khai thác, chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản của Trường ĐH Nha Trang cũng rơi vào tình cảnh khó tuyển sinh dù đây đều là những nhóm ngành thuộc thế mạnh và truyền thống của nhà trường.
Không chỉ riêng nhóm ngành nông, lâm thủy sản, dù nhu cầu nhân lực đang rất cần, hàng loạt nhóm ngành thuộc khối môi trường, địa chất, công nghệ vật liệu, khoa học môi trường… của hàng loạt trường đại học cũng rất khó khăn trong tuyển sinh.
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM phải xét tuyển bổ sung năm ngành học tại TPHCM, gồm khoa học môi trường, công nghệ chế biến lâm sản, lâm học, lâm nghiệp đô thị, quản lý tài nguyên rừng. Đây đều là những ngành “kén” người học trong nhiều năm nay.
Nhóm ngành địa chất học, kỹ thuật địa chất và hải dương học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) năm 2020 tiếp tục là 3 ngành học khó tuyển dù công tác tư vấn, truyền thông được nhà trường chú trọng. Số sinh viên theo học ba ngành trên cũng chỉ 20 - 30 em/ngành.
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho rằng: Thực trạng tuyển sinh khó dù nhu cầu xã hội cần đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy vẫn từ chính sách điều tiết nhu cầu nhân lực mang tầm vĩ mô.
“Thực tế này khiến các địa phương lúng túng trong cơ cấu nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu nhân lực ngắn hạn và dài hạn để từ đó xây dựng chính sách tuyển sinh, đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tất nhiên, những ngành khó tuyển cũng có nguyên nhân lớn đến từ xu hướng chuộng ngành học có tính nhẹ nhàng, tên gọi sang trọng của học sinh. Việc của các trường là phải thay đổi điều này” - TS Nhân nói.
Làm gì để tuyển sinh những ngành khó?
Cách đây 3 - 4 năm, khi các ngành học thuộc nhóm ngành nghề nông lâm, thủy sản, ngư nghiệp, thậm chí là công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học gặp khó trong tuyển sinh, nhiều trường phải thực hiện “chiêu” làm mới tên ngành, chẻ nhỏ khối, nhóm ngành đào tạo theo hướng chuyên sâu nhằm hút người học. Tuy nhiên, giải pháp trên không mang lại hiệu quả bởi bản chất sức hút và sự mường tượng của học sinh về nhóm ngành nghề trên vẫn không có gì thay đổi.
Vì vậy, nhiều trường buộc phải đóng cửa không ít ngành gặp khó khăn trong tuyển sinh, không còn sức hút với người học để chuyển sang mở những ngành học mới theo xu thế phát triển chung của nền kinh tế, cũng như xu hướng chọn ngành, chọn nghề của học sinh.
TS Nguyễn Trung Nhân thừa nhận: Cách làm trên từng là lựa chọn của không ít trường để giải bài toán tuyển sinh khó. Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng để kéo người học đến với nhóm ngành nghề khó tuyển không phải ở cái tên, mà là ở việc làm nhóm ngành nghề này khi ra trường không hấp dẫn được một bộ phận giới trẻ thích “việc nhẹ lương cao”.
TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang cho rằng: Những ngành khó tuyển ở trường thực tế đều thuộc nhóm phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức trong tuyển sinh của nhóm ngành trên không chỉ đến từ định kiến, xu hướng chọn ngành, mà một phần nguyên nhân đến từ khái niệm công việc học sinh nghĩ mình phải làm sau khi ra trường.
“Để giải quyết vấn đề trên, Trường ĐH Nha Trang đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích với người học như: Miễn phí ký túc xá cho sinh viên các ngành học này; tặng nhiều suất học bổng hơn (như ngành khai thác thủy sản mỗi năm có mười suất học bổng). Trường cũng làm việc với chi cục thủy sản các tỉnh nhằm thống nhất đề nghị Chính phủ có chính sách đặc thù (miễn học phí) và đề xuất nhu cầu nhân lực trong 5 - 10 năm tới nhằm có hướng đi và lộ trình đào tạo nhân lực cụ thể” - TS Phương nói.
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 28% năm 2015 và khoảng 50% năm 2020. Theo tính toán của các chuyên gia, đến năm 2020 nguồn nhân lực khối ngành này thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Tuy nhiên, với việc khó khăn trong tuyển sinh của các trường có đào tạo nhóm ngành này, nhu cầu nhân lực sẽ càng thiếu hụt.
“Để thu hút người học đến với nhóm ngành nông lâm, ngư nghiệp, nhiều năm trở lại đây, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM thực hiện song hành nhiều chính sách. Không chỉ đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, truyền thông nhóm ngành nghề trên thông qua việc kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp cho sinh viên trải nghiệm trực tiếp công việc, trường còn xây dựng nhiều chính sách khuyến học, học bổng có tính đặc thù cho sinh viên cũng như cam kết đầu ra việc làm với người học” - TS Lý nói.