Th.S Lục Thúy Hằng chia sẻ: Các em nên chọn và phân bổ thời gian ôn thi hợp lí, tránh học dồn dập và tuyệt đối không để “nước đến chân mới nhảy”.
Th.S Lục Thúy Hằng nhấn mạnh, thời điểm này, các em cần nâng cao ý thức tự học. Các em nên ôn tập, hệ thống lại kiến thức và tập trung vào các kiến thức cơ bản, bám sát kiến thức trong sách giáo khoa. Các em cần học từ dễ đến khó và kết hợp với luyện đề. Lưu ý: Ôn thi đến đâu, chắc đến đó.
Trước câu hỏi của thí sinh: Em tốt nghiệp THPT xong đi làm công nhân luôn hay để kiếm tiền phụ giúp gia đình đi học trường cao đẳng hoặc trung cấp nghề nào đó? Th.S Lục Thúy Hằng chia sẻ: Các em nên cân nhắc việc này.
Nếu điều kiện gia đình có thể đáp ứng được thì các em nên theo học trường cao đẳng hoặc trung cấp nghề nào đó vì các lý do sau:
Thời gian học trường cao đẳng hoặc trung cấp nghề không quá dài (2-3 năm). Nhưng những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo trong trường sẽ là nền tảng vững chắc để em có nhiều cơ hội việc làm ổn định, bảo đảm cuộc sống cho tương lai.
“Tôi không bao giờ muốn hoặc khuyến khích học sinh học xong THPT đi làm ngay (lao động phổ thông) khi chưa có chuyên môn và năng lực nghề nghiệp” - Th.S Lục Thúy Hằng trao đổi, đồng thời nhắn gửi với những thí sinh đam mê với ngành Sư phạm nhưng chưa được bố mẹ ủng hộ:
Các em hãy mạnh dạn chọn ngành học mà mình đam mê. Tuy nhiên, em cần thật sự nghiêm túc về lựa chọn của mình. Nếu em quyết tâm chọn nghề theo đam mê của mình thì cũng nên tìm cách thuyết phục bố mẹ thật khoa học. Để bố mẹ thấy lựa chọn của mình là đúng đắn.
“Chẳng hạn, các em có thể tìm hiểu lý do vì sao bố mẹ lại kiên quyết muốn mình theo ngành Kế toán. Khi biết được nguyên nhân thì em hãy thuyết phục bố mẹ sao cho hợp tình, hợp lý mà không để xảy ra căng thẳng”- Th.S Lục Thúy Hằng dẫn giải.
Về phía các em phải thật sự tin tưởng vào quyết định của mình, thể hiện một cách mãnh liệt, quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Chính ngọn lửa đam mê sẽ khiến bố mẹ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con cái.
Ngoài ra, các em có thể tìm kiếm đồng minh như: Anh chị trong nhà, người thân có tiếng nói hoặc giáo viên chủ nhiệm. Em cũng có thể nhờ một nhà giáo có uy tin với gia đình để giúp mình thuyết phục bố mẹ.
“Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống; vì vậy, hãy chọn sống đúng với chính mình dù cho có khó khăn. Cô tin, bố mẹ sẽ hiểu và ủng hộ sự lựa chọn của em” - Th.S Lục Thúy Hằng nói.