Quy mô giáo dục cơ bản ổn định
Tham dự hội nghị Sơ kết học kỳ 1 có ông Trần Anh Tuấn - Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây; ông Lê Đại Thăng - Ủy viên Ban thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây; bà Phan Thị Thu Hương - Trưởng Phòng GD&ĐT Sơn Tây cùng lãnh đạo một số ban, ngành của địa phương.
Thống kê từ đại diện ngành Giáo dục Sơn Tây cho hay, hiện trên địa bàn thị xã có 47 trường từ Mầm non đến THCS; 31 nhóm lớp mầm non tư thục; 1 Trung tâm GDNN-GDTX với tổng số học sinh là 32.769 em và 2.277 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Trước thềm năm học 2022-2023, thị xã đã đầu tư xây dựng, sửa chữa các trường học, đảm bảo cơ bản các điều kiện dạy và học. Số phòng học, phòng chức năng kiên cố trong các trường là 1.501 phòng, chiếm 99,6%; 100% các trường được UBND thị xã trang bị máy vi tính phục vụ cho công tác quản lý và dạy học.
Ông Trần Anh Tuấn - Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây phát biểu tại hội nghị Sơ kết học kỳ 1 năm học 2022-2023 ngành Giáo dục Thị xã Sơn Tây. |
Cơ sở vật chất (phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, trang thiết bị dạy học…) của các trường tiếp tục được địa phương quan tâm theo hướng từng bước kiên cố hoá, chuẩn hoá theo quy định như các trường: Mầm non Quang Trung, Tiểu học Cổ Đông, Tiểu học Trung Sơn Trầm, Tiểu học Kim Sơn, THCS Viên Sơn, THCS Phùng Hưng, THCS Ngô Quyền... Trong đó, số phòng học kiên cố là 945/954 phòng, chiếm 99,1%.
Ba cấp học được trang cấp 1.894 máy tính, 200 máy chiếu (tăng 200 máy so với năm học trước). Tính đến hết năm 2022, Thị xã Sơn Tây có 36/46 trường đạt chuẩn quốc gia, tương đương 78,26% - đứng thứ 10 toàn Thành phố Hà Nội.
"Thị xã đã bố trí nguồn kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị trường học (các thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6), phần mềm thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngành Giáo dục thị xã Sơn Tây giai đoạn 2022-2025 với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Các phòng, ban chuyên môn thị xã đang thực hiện các bước để thực hiện trang bị cho các nhà trường trong tháng 2/2023" - báo cáo nêu.
Đầu năm học này, Thị ủy - UBND Thị xã Sơn Tây đã ban hành các văn bản chỉ đạo về giáo dục đào tạo tại địa phương như: Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; chỉ đạo quản lý thu - chi, dạy thêm - học thêm; vấn đề đảm bảo an toàn bán trú tại trường học; chỉ đạo công tác kiểm tra các nhà trường; công tác xây dựng xã hội học tập, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ… Các đơn vị cũng đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên, sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn; tổ chức các chuyên đề chuyên môn, nghiệp vụ.
Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Kết thúc học kỳ 1 năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Thị xã Sơn Tây đã đạt được một số mục tiêu quan trọng đề ra từ đầu năm.
Trẻ trong giờ ăn trưa tại Trường Mầm non Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây. |
Đối với cấp Mầm non, các trường đã thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh, công tác y tế trường học tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thị xã đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường công tác kiểm tra, tự rà soát phát hiện các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn, có biện pháp khắc phục kịp thời. Có 5/15 trường mầm non công lập thực hiện thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
Ở cấp Tiểu học, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, 2, 3. Các trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học theo hướng dẫn tại Công văn số 2345 của Bộ GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tư vấn, phê duyệt từ đầu tháng 9/2022 trước khi đưa vào thực hiện. Kết quả đánh giá hai mặt giáo dục gồm: Năng lực xếp loại Tốt và Đạt chiếm 99,2%; Phẩm chất xếp loại Tốt và Đạt 99,8%.
Với các trường THCS trên địa bàn, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Ở học kỳ vừa qua, 100% các trường THCS trên địa bàn thị xã đã đưa STEM vào giảng dạy lồng ghép; số tiết đã thực hiện giáo dục STEM là 32. Kết quả đánh giá hai mặt giáo dục gồm: Hạnh kiểm xếp loại Tốt + Khá là 99,13%; Học lực Giỏi + Khá là 77,52%.
Một số nhiệm vụ cần triển khai
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây được trải nghiệm làm bánh chưng đón xuân Quý Mão 2023 tại sân trường. |
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, ngành Giáo dục Thị xã Sơn Tây cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại cần khắc phục. Trong đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn có tiến bộ song chưa đáp ứng được kỳ vọng; việc thực hiện xã hội hóa các nguồn lực còn có lúc thực hiện chưa đầy đủ theo quy định. Điều kiện cơ sở vật chất của một số trường còn hạn chế; trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được toàn diện yêu cầu đổi mới giáo dục.
Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay biên chế ngành giáo dục được thành phố giao ổn định. Trong khi đó số lớp, số học sinh có sự biến động tăng tự nhiên đã tạo ra khó khăn khi các trường bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy. Đến nay, thị xã đang thiếu 87 giáo viên, nhân viên. Mức thu học phí giá dịch vụ theo quy định của UBND TP Hà Nội thấp, khó khăn cho các trường có ít học sinh. Theo rà soát, toàn thị xã có 3 trường không đủ kinh phí chi lương, 13 đơn vị không đủ chi khác...
Trường Tiểu học Trần Phú - Thị xã Sơn Tây tổ chức sơ kết học kỳ 1 và trao quà Tết cho học sinh. |
Để hoàn thành các mục tiêu còn lại của năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Thị xã Sơn Tây xác định một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai.
Trong đó, các trường quan tâm, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, an ninh, an toàn trật tự, phòng chống cháy nổ, chống sử dụng, tàng trữ pháo nổ, thuốc lá điện tử trong và ngoài nhà trường.
Các trường thực hiện tốt công tác hoàn thành năm học ở cả 3 cấp; xét tốt nghiệp THCS, thi vào lớp 10 THPT và chuẩn bị số liệu tuyển sinh năm học 2023-2024. Chuẩn bị đánh giá việc dạy học và sử dụng SGK lớp 7; tổ chức lựa chọn SGK lớp 8 theo đúng quy định. Tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục. Sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng trong quản lý, tổ chức dạy và học...
Các trường cần nghiên cứu sắp xếp, phân công giáo viên lên lớp đúng chuyên môn được đào tạo. Phòng GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu UBND thị xã chỉ đạo về công tác chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất các trường học, phấn đấu hoàn thành kế hoạch về xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2023. Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 1, 2, 3, 6 và 7...