Ngành Giáo dục Điện Biên Phủ phát huy hiệu quả triển khai chương trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên phòng đã giao quyền tự chủ cho các nhà trường. Trên cơ sở tình hình thực tế, trường chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch, thời khóa biểu theo từng thời gian cụ thể. Mỗi thầy cô phát huy vai trò để linh hoạt phương pháp dạy học cho từng kiến thức, đối tượng học sinh. Làm sao để đích đến cuối cùng là chất lượng”, bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) chia sẻ.

Trên cơ sở tình hình thực tế, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch nhà trường.
Trên cơ sở tình hình thực tế, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch nhà trường.

Trao quyền tự chủ

Giờ học Toán của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương và học sinh lớp 6, Trường THCS Him Lam luôn diễn ra sôi nổi. Lấy ví dụ cụ thể về bài giảng Trung điểm của đoạn thẳng, cô Hương chia sẻ: “Mở đầu bài giảng, tôi đã trình chiếu hình ảnh cụ thể là chiếc bập bênh để các em quan sát. Từ đó, bám sát để đưa ra các yêu cầu gắn với kiến thức nội dung bài học”.

Cũng theo cô Hương, do là hình ảnh quen thuộc, gắn liền với đời sống nên học sinh trong lớp sôi nổi phát biểu. Giờ học ghi nhận nhiều ý kiến phản biện. Từ đó, làm rõ nội dung kiến thức và phát huy tối đa hiệu quả tiết học.

“Trong mỗi một tiết giảng, tôi đều cố gắng tìm cách gắn liền kiến thức trong sách giáo khoa với thực tiễn như vậy. Đồng thời, phải không ngừng thay đổi các phương pháp dạy học khác nhau, nhằm tạo hứng thú, giúp các em hào hứng hơn và cảm thấy môn học gần gũi với đời sống, sinh hoạt”, cô Hương cho hay.

Theo chia sẻ của em Nguyễn Vũ Yến Nhi, Trường THCS Him Lam, thì trong quá trình học tập em luôn hào hứng với các hình ảnh, tình huống cụ thể mà thầy cô đưa ra. Với những ví dụ hết sức chân thực, em dễ dàng liên hệ với kiến thức hơn để có thể phản biện, phát biểu ý kiến.

“Mỗi giờ học em thấy học sinh được phát huy tính tự chủ, tự giác hơn. Em thích nhất là khi áp dụng được các tình huống. Vì thế, chúng em hoạt động nhóm rất tích cực. Việc hiểu sâu hơn mỗi bài học, kiến thức không chỉ giúp chúng em có kết quả học tập tốt hơn mà còn áp dụng được vào cuộc sống nhiều hơn”, Nhi nói.

Học sinh là trung tâm của các hoạt động giáo dục.

Học sinh là trung tâm của các hoạt động giáo dục.

Lấy học sinh làm trung tâm, giáo án là nền tảng và liên tục đổi mới các hoạt động trong mỗi giờ học là phương pháp đang được tập thể giáo viên Trường THCS Him Lam áp dụng thực hiện trong năm học vừa qua. Đặc biệt là đối với triển khai Chương trình GDPT mới.

Theo cô giáo Lê Thị Ngọc, ngay từ đầu năm thì các tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch bài học. Đồng thời, triển khai trong toàn bộ nội dung sinh hoạt của tổ theo 4 bước: Xây dựng kế hoạch bài học minh họa, tổ chức dạy học minh họa, phân tích rút kinh nghiệm, áp dụng các nội dung sinh hoạt trong thực tiễn giảng dạy trên lớp.

“Ở mỗi giờ sinh hoạt, các giáo viên đều phát huy kinh nghiệm bản thân để tham gia đóng góp ý kiến. Qua đó tạo nên sức mạnh tập thể để lên khung cho bài giảng mẫu. Với phương pháp này thì việc triển khai giảng dạy bài học cụ thể thuận lợi hơn. Đồng thời cũng tác động tích cực tới việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi giáo viên”, cô Ngọc chia sẻ.

Cô Cao Thị Đại, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải có một đội ngũ tốt. Bởi vậy, công tác bồi dưỡng giáo viên được trường đặc biệt coi trọng, nhất là đội ngũ triển khai Chương trình GDPT mới.

“Bên cạnh các lớp đào tạo, bồi dưỡng của ngành, thì nhà trường chủ động chỉ đạo đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn. Qua đó, giúp các thầy cô tự bồi dưỡng, hỗ trợ nhau nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó, tạo chuyển biến trong nâng cao chất lượng”, cô Đại cho hay.

Năm học 2021 – 2022, ngành Giáo dục TP Điện Biên Phủ liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, với nhiều ca mắc là học sinh.

Năm học 2021 – 2022, ngành Giáo dục TP Điện Biên Phủ liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, với nhiều ca mắc là học sinh.

Đích đến chất lượng

Năm học 2021 - 2022 đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành Giáo dục Điện Biên Phủ khi vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng dạy và học, nhất là chương trình mới. Song theo bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT địa phương thì mỗi nhà trường đều chủ động kế hoạch, kịch bản riêng phù hợp để tổ chức duy trì hoạt động giáo dục hiệu quả.

“Ngành đã mạnh dạn thực hiện đổi mới trong quản trị nhà trường, như: Tự chủ và chịu trách nhiệm. Học tập và giảng dạy là những mục tiêu chính của hoạt động quản lý giáo dục. Thực hiện tốt công tác dân chủ trong trường học; xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện”, bà Hồng cho hay.

Trong học kỳ I, toàn thành phố có 32/54 trường phải đóng cửa và 27 trường được trưng tập làm điểm cách ly. Sang học kỳ II thì toàn ngành phải dừng dạy học trực tiếp trong thời gian dài. Tuy nhiên, các trường đã tận dụng tối đa thời gian vàng để cung cấp cơ bản kiến thức nền. Đồng thời, linh hoạt và chủ động sắp xếp phương pháp, lịch dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện thì đơn vị từng là “điểm nóng” của ngành Giáo dục TP Điện Biên Phủ, với hàng chục ca F0 ghi nhận trong cùng một thời điểm.

Trước tình hình đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã linh hoạt chỉ đạo các lớp thay đổi phương thức dạy học khác nhau. Để đảm bảo tất cả học sinh đều được tham gia học tập, nhà trường phân loại học sinh theo từng nhóm nguy cơ, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện phù hợp hai hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp.

Với những học sinh tham gia học trực tuyến, trường yêu cầu giáo viên phải kiểm soát được việc học của học sinh, tương tác với các em để nắm bắt khả năng, tiến độ tiếp nhận kiến thức. Từ đó xây dựng bài giảng phù hợp.

“Đây không phải là mô hình riêng mà được áp dụng rộng rãi trên toàn địa bàn và rất phù hợp với tình hình mới. Đối với nhà trường, do có thời gian triển khai thí điểm trước đó và tích lũy được kinh nghiệm nên khi đi vào tình huống cụ thể thì không gặp nhiều vướng mắc. Đảm bảo quyền lợi học tập của các em trong mọi điều kiện, hoàn cảnh”, cô Bích cho hay.

Đặc biệt, theo lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương, với việc triển khai Chương trình GDPT mới, các nhà trường đã đồng thời chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chuyển phát triển GD&ĐT từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả.

Còn theo kết quả ghi nhận của ngành Giáo dục thành phố cho thấy, năm học vừa qua tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%, trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 99,2%...

Trong số đó, 99,86% học sinh lớp 1, 2 được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt môn Tiếng Việt; 99,85% hoàn thành và hoàn thành tốt môn Toán. Đối với học sinh lớp 6, trên 99% có kết quả rèn luyện khá, tốt; kết quả học tập từ đạt trở lên. Hiện nay, toàn ngành đều đã sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 3, 7 trong năm học tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ