Ngành Giáo dục cần tiếp tục kiên định con đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay, 12/8 tại Hà Nội.

Trong năm học 2021-2022, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực vượt khó để tiếp tục triển khai tốt Chương trình GDPT 2018 với nhiều kết quả tích cực.
Trong năm học 2021-2022, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực vượt khó để tiếp tục triển khai tốt Chương trình GDPT 2018 với nhiều kết quả tích cực.

Cần đổi mới trong quản trị, quản lý

Ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của ngành Giáo dục trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành giáo dục đã nỗ lực vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.

"Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, học sinh đã tham gia vào công tác giáo dục. Bộ GD&ĐT đề xuất rất sớm các giải pháp về hỗ trợ giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc tuyển dụng biên chế giáo viên cũng đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương nhà giáo mà là liên quan tới nhiều bộ ngành khác. Hiện nay, nhân dân yêu cầu về giáo dục rất cao. Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Giáo dục là lĩnh vực luôn luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành Giáo dục", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt vấn đề, tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, không chỉ là thi THPT, mà còn là thi cử ở bậc phổ thông, chuyện học thêm, dạy thêm, sách tham khảo. Trong quá trình đổi mới sang năm thứ 8 thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, ngành Giáo dục cần nhìn thẳng vào vấn đề để tìm cách khắc phục.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của ngành Giáo dục, đồng thời chỉ ra một số nguyên nhân và giải pháp để thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới giáo dục trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của ngành Giáo dục, đồng thời chỉ ra một số nguyên nhân và giải pháp để thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới giáo dục trong thời gian tới.

Việc học trực tuyến chất lượng đương nhiên không thể bằng học trực tiếp vì dịch Covid-19. Vấn đề giáo viên trường ngoài công lập bị ảnh hưởng. Giáo dục là quá trình liên tục và có nhiều đầu việc phải làm. Tinh thần chung là bám sát Nghị quyết 29 để đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Thực hiện làm sao cho thực chất việc dạy và học để phát triển cho học sinh cả Đức - Trí - Thể - Mỹ.

Tiếp theo, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thế chúng ta phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học.

Ví dụ, khi muốn tuyển giáo viên thì tiếng nói của tập thể giáo viên phải là quyết định thay vì ý kiến của một người ngoài nhà trường. Đây là một điều rất quan trọng thể hiện tính dân chủ trong nhà trường. Ngành Giáo dục cần rà soát để đề xuất cơ chế về học phí, tự chủ trong cơ sở giáo dục.

Cần những giải pháp lâu dài

Một điểm mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý với Bộ GD&ĐT, đó là chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc để tổ chức dạy học cho đồng bào dân tộc ít người, ở nội trú hoặc bán trú nhưng học phải hòa đồng. Làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa học sinh vùng sâu, vùng xa với học sinh vùng thành thị. Tuy nhiên, vì các nhiệm vụ phát triển kinh tế trước mắt mà chúng ta chưa chú ý đến việc này.

Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.

Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.

Bộ GD&ĐT phải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, bổ sung các nguồn đóng góp tự nguyện trong trường học. Tiếp tục rà soát thực hiện về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sách tham khảo mà học sinh phải "tự nguyện" xin để được học thêm, đóng góp theo kiểu "cào bằng". Lãnh đạo các địa phương cần rà soát kỹ việc này.

Ngành Giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục. Ví dụ như xây dựng học liệu điện tử, học trực tuyến. Củng cố và thúc đẩy học liệu số như bổ trợ lâu dài. Đẩy mạnh giáo dục STEM, đổi mới quản lý sách giáo khoa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin từ việc sản xuất, phân phối thiết bị, đồ dùng dạy học. Tất cả phải thực hiện kiên quyết và bước qua lợi ích cục bộ.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ đang xây dựng nghị quyết về giá dịch vụ giáo dục theo hướng sự đóng góp của gia đình học sinh là không tăng. Học phí phổ thông cố gắng không tăng, giảm nhanh hơn lộ trình để tiến tới miễn học phí nếu có thể. Đó là phần của phụ huynh học sinh phải đóng. Còn ngân sách chi cho các cơ sở giáo dục phải theo hướng tính đúng, tính đủ. Hàng năm phải tăng theo mức độ phát triển của kinh tế đất nước, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và sẽ cùng toàn ngành cụ thể hóa những chỉ đạo này thành các chỉ đạo cụ thể để triển khai trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo nhằm đạt tới yêu cầu chất lượng, hiệu quả; khắc phục những tồn tại hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ GD&ĐT trong hội nghị hôm nay đã lắng nghe, ghi chép các ý kiến trao đổi, cũng như các ý kiến gửi đến và sẽ xem xét thấu đáo để chỉ đạo công việc sát thực tế, hiệu quả hơn. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ cùng các cơ quan tham mưu và toàn thể giáo chức học sinh, sinh viên ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, sáng tạo để không ngừng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình, để có kết quả cho một năm học mới tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ