Ngành Giáo dục Bắc Giang nối tiếp truyền thống, vững tin hành trình "gieo chữ"

GD&TĐ - Dịp 20/11 hàng năm là cơ hội để nhân dân và các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thầy, người cô đã dạy dỗ mình...

Ông Trần Tuấn Nam - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang.
Ông Trần Tuấn Nam - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang.

Song không phải đến đến ngày kỉ niệm chúng ta mới tôn vinh các thầy cô giáo. Hiếu học và tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Những câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên; Nhất tự vi sư, bán tự vi sư... đã khẳng định vai trò to lớn của người thầy trong việc giáo dục, nâng cao tri thức, định hướng hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người ở mọi thời điểm.

Truyền thống tôn sư trọng đạo

Nói đến truyền thống ấy, có biết bao gương nhà giáo uyên thâm về tri thức, mẫu mực về nhân cách, lấy tâm đức để dạy người, để lại cho đời bài học về nhân cách, ứng xử và bản lĩnh, khí tiết thanh cao.

Đó là nhà giáo Chu Văn An đời Trần - bậc túc Nho thông tuệ, nổi tiếng về khí tiết và bản lĩnh với Thất trảm sớ đòi xử chém 7 gian thần hại nước, hại dân. Người được ngợi ca là “vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời. Đó là nhà giáo lỗi lạc Nguyễn Bỉnh Khiêm đời Lê - Mạc, tính tình cương trực, không màng danh lợi, hiểu rõ lẽ “xuất xử hành tàng”, đã lui về mở trường dạy học để giữ tiết tháo của một bậc hiền nhân. Đó là cụ đồ đất Gia Định - Đồng Nai Nguyễn Đình Chiểu - một nhà giáo mẫu mực lấy việc dạy người cao hơn dạy chữ, một nhà thơ yêu nước, một tấm gương sáng ngời về nghị lực và tinh thần bất hợp tác với kẻ thù.

Và còn biết bao tấm gương nhà giáo mẫu mực như La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, nhà bác học Lê Quý Đôn, nhà giáo Cao Bá Quát… Thời gian trôi đi đến đầu thế kỷ XX, các tấm gương nhà giáo đồng thời là chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai… Các thầy trở thành những gương sáng về học vấn, lòng nhân hậu và phương pháp sư phạm xuất sắc.

Nói đến tấm gương nhà giáo tiêu biểu, có lẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới thầy giáo Nguyễn Tất Thành của trường Dục Thanh, yêu nước, thương dân, dành trọn đời tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người là hiện thân cho sự kết tinh những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc. Suối cuộc đời, Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm chăm lo phát triển giáo dục với quan điểm chiến lược “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây - Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.  

Người thầy - người chiến sĩ yêu nước

Ôn lại lịch sử nhà giáo, chúng ta không thể không ghi nhớ công lao của các thế hệ nhà giáo vô danh đã không ngừng khai tâm, mở trí cho các thế hệ học trò. Các thế hệ nhà giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, hi sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ những lớp Bình dân học vụ diệt giặc dốt đến những lớp học ban đêm, những lớp học dưới hầm sâu, dưới tầm bom đạn Mỹ, chúng ta đã xây dựng nên một nền giáo dục thời đại mới. Hòa cùng đội ngũ giáo giới cả nước, hàng ngàn thầy giáo, cô giáo của tỉnh Hà Bắc xưa, Bắc Giang ngày nay đã “xếp bút nghiên” hăng hái lên đường chiến đấu.

Năm 1968, Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Công đoàn Giáo dục đã vận động nhà giáo tổ chức giảng dạy, tham gia quản lý nhà trường phù hợp với tình hình thời chiến và làm tròn nhiệm vụ chi viện cho miền Nam. Khi đó, trên 800 giáo viên tham gia vào đội quân thường trực trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Lực lượng nhà giáo cách mạng ở vùng giải phóng và vùng tạm chiếm luôn luôn là những chiến sĩ ngoan cường, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh để xây dựng, duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục. Trong chiến đấu, nhiều nhà giáo lập công xuất sắc nhưng có những thầy cô hi sinh khi vượt qua làn bom đạn ác liệt của kẻ thù để đến trường giảng dạy và học tập. Cùng với việc chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giáo dục miền Nam, các nhà giáo đã khắc phục muôn vàn khó khăn, sơ tán, phân tán trường học, đào hầm hào đảm bảo an toàn cho thầy và trò trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Mai Sơn trao danh hiệu NGƯT cho các thầy giáo, cô giáo.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Mai Sơn trao danh hiệu NGƯT cho các thầy giáo, cô giáo. 

Cùng với tinh thần hi sinh của biết bao nhà giáo, hàng ngàn cán bộ, giáo viên đã tình nguyện đi phục vụ vùng sâu, vùng xa, sẵn sàng đến vùng hẻo lánh, đặc biệt khó khăn từng ngày, từng giờ đem ánh sáng văn hóa đến với đồng bào dân tộc ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và khắp mọi miền Tổ quốc với tinh thần sẵn sàng tất cả “vì học sinh thân yêu”. Những người thầy cầm súng ấy đã góp phần viết nên pho sử vàng về truyền thống anh hùng, lòng yêu nước, sự hi sinh xả thân vì Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, đội ngũ nhà cả nước tiếp tục có đóng góp trong hành trình “gieo chữ”, trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Những thầy cô giáo luôn gương mẫu hưởng ứng và thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dạy tốt - học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, sáng tạo và tự học”...

Giữa "tâm dịch" Bắc Giang tổ chức an toàn, thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Giữa "tâm dịch" Bắc Giang tổ chức an toàn, thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Giáo dục Bắc Giang “cất cánh” sau hơn 30 năm

Nếu như năm 1986, Bắc Giang chỉ có 321 trường với gần 29 vạn học sinh thì sau 10 năm đổi mới, tỉnh đã nâng số trường lên 555 với hơn 38 vạn học sinh. Thì tới tháng 11/1995, tỉnh Bắc Giang vinh dự được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Hiện, toàn tỉnh có 760 cơ sở giáo dục, tăng 174 cơ sở so với năm 1997 - thời điểm tỉnh Hà Bắc tách thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Thầy Nguyễn Văn Hùng Trường THCS Thị trấn Thắng (huyện Hiệp Hòa) được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2021.
Thầy Nguyễn Văn Hùng Trường THCS Thị trấn Thắng (huyện Hiệp Hòa) được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2021.

Để phát huy thành tích đã đạt được, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đề án kiên cố hóa trường lớp học, xây nhà công vụ cho giáo viên song song với huy động xã hội hóa đầu tư, tham mưu chương trình mục tiêu, dự án…

Hàng năm, ngành giáo dục tỉnh tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua như “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với các hoạt động đổi mới giáo dục. Từ trong các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Đó là các tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Hai tốt”.

Nhiều nhà giáo không chỉ là những tấm gương tận tụy, trách nhiệm trong công việc, gương mẫu về đạo đức, tác phong, lối sống, mà còn là điển hình về tinh thần vượt khó, gắn bó, tâm huyết với nghề, bám trường, bám lớp ở những vùng cao, vùng sâu, vùng xa; tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, thắp lửa nhiệt tình, đam mê trong các thế hệ học trò.

Nhìn lại truyền thống vẻ vang của Ngành giáo dục hôm nay để chúng ta thêm tự hào, tự tin vững bước trên hành trình “gieo chữ”, trong sự nghiệp “trồng người. Truyền thống đó càng sáng hơn với đóng góp của các thế hệ nhà giáo, cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên toàn ngành.  

Nhằm phát huy truyền thống những năm qua và vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, tôi tin chắc rằng các nhà giáo tiếp tục hăng say thi đua, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thích ứng an toàn, linh hoạt để vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Phương châm là “khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Mỗi nhà giáo thực sự là những chiến sĩ trên “mặt trận văn hóa”, làm tròn sứ mệnh thiêng liêng, cao quý, trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó: Hành trình gieo chữ và sự nghiệp “trồng người” vì lợi ích trăm năm.

Trường học Bắc Giang linh hoạt trong dạy và học ứng phó với dịch Covid-19.
Trường học Bắc Giang linh hoạt trong dạy và học ứng phó với dịch Covid-19.

Đến tháng 11/2021, toàn tỉnh Bắc Giang đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, riêng 7/10 huyện, thành phố đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Thực tế, tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân đạt trên 95%. Số lượng học sinh đỗ và có điểm trung bình thi vào các trường CĐ, ĐH luôn nằm trong tốp 15 toàn quốc và nhiều học sinh đạt danh hiệu Thủ khoa toàn quốc.

Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp, trình độ của giáo viên đạt chuẩn theo Luật giáo dục mới ở bậc mầm non từ cao đẳng trở lên là 90,9%; cấp tiểu học từ đại học trở lên đạt 58,78%; cấp THCS trình độ từ đại học trở lên 80,11%; bậc THPT trình độ đại học trở lên 100% và trên đại học 20,83%.

Chất lượng giáo dục học sinh giỏi cũng có thành tựu đáng kể. Từ năm 1997 đến năm 2021, tỉnh Bắc Giang có trên 1.100 giải học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia và nhiều huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại các kỳ Olympic quốc tế, châu Á và châu Á.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ