Ngành GD-ĐT Hà Nội đã đi đầu trong giáo dục trực tuyến

GD&TĐ - Ngày 18/1, đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương phát biểu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương phát biểu.

Tại buổi làm việc, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Năm học 2020-2021 là năm thứ hai, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 với những tác động không nhỏ tới công tác dạy và học của thầy trò ngành Giáo dục Thủ đô.

Với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng internet trong công việc để phù hợp với tình hình thực tế đã bảo đảm công việc thông suốt, không bị gián đoạn và đạt được những kết quả nhất định.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã thẩm định nội dung hơn 6.000 học liệu điện tử và đưa lên kho học liệu điện tử của ngành tại study.hanoi.edu.vn; đồng thời chỉ đạo hướng dẫn các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế, chú trọng các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua internet có chất lượng.

Bên cạnh đó, công tác triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội thực hiện trong môi trường giáo dục bảo đảm sự tập trung theo quy mô trường, lớp; đối tượng được tuyên truyền cơ bản đồng đều về độ tuổi. Đội ngũ thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên có trình độ sư phạm, có năng lực truyền đạt thông tin pháp luật phù hợp với đối tượng được tuyên truyền.

Tuy nhiên, việc thực hiện cũng gặp một số khó khăn như: Chương trình giáo dục thực hiện theo khung thời gian kế hoạch năm học; nhiều quy định pháp luật cần được tuyên truyền do đó chỉ truyền đạt, cung cấp được kiến thức, kỹ năng cơ bản đồng thời động viên tự tìm hiểu, tự học tập của học sinh.

Do địa bàn rộng, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng đều giữa các vùng. Trình độ nhận thức của người dân nói chung, phụ huynh học sinh nói riêng, đặc biệt là học sinh chưa ý thức được tầm quan trọng, sự ảnh hưởng của mạng xã hội đối với sự hình thành nhân cách của em.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của Covid-19, toàn bộ việc học tập chuyển sang trực tuyến dẫn đến thời gian sử dụng thiết bị công nghệ thông tin nối mạng như máy tính, điện thoại thông minh nhiều, tiềm ẩn nguy cơ bị các trang mạng, phần mềm độc hại lôi kéo, ảnh hưởng đến sự tập trung của học sinh trong quá trình học tập.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng thời gian qua, ngành GD-ĐT Hà Nội đã có nhiều cố gắng, đi đầu trong giáo dục trực tuyến. Năm học 2021-2022, đa số học sinh Hà Nội chưa được đến trường, việc chuyển đổi từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến với khối lượng học sinh lớn là công việc khổng lồ mà ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã nỗ lực hoàn thành.

Tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương cho biết, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với các Sở, ngành liên quan và UBND Thành phố Hà Nội để có thêm thông tin phục vụ xây dựng báo cáo giám sát với các đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng quan tâm, trao đổi về những vướng mắc trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên internet; việc xây dựng trường học thông minh trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài; xây dựng quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô; phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường trên môi trường internet...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ