Ngành đón đầu các xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngành Quản trị công nghệ giáo dục được các chuyên gia đánh giá giúp tạo ra nguồn nhân lực cao về công nghệ...

Sinh viên ngành Quản trị công nghệ giáo dục, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội trong buổi tiếp cận EdTech.
Sinh viên ngành Quản trị công nghệ giáo dục, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội trong buổi tiếp cận EdTech.

Nguồn nhân lực này sẽ tổ chức và quản lí hoạt động dạy học hiệu quả trong các môi trường giáo dục mới.

Phát triển nguồn lực cao về công nghệ trong giáo dục mới

Hiện nay các ứng dụng trực tuyến, trò chơi giáo dục, học máy và trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, thực tế tăng cường, hệ thống học tập thông minh và các nền tảng học tập trực tuyến thế hệ mới đang phát triển mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

Chính vì thế, ngành Quản trị công nghệ giáo dục dựa trên nền tảng kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức, kĩ năng về công nghệ giáo dục và quản trị tạo nên sức mạnh giải quyết các bài toán mới, cung cấp các giải pháp tiên tiến thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục trong giai đoạn tới.

Trao đổi về ngành này, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, chương trình cử nhân Quản trị công nghệ giáo dục nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cao về công nghệ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Nhân lực ngành này có khả năng nắm vững các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về giáo dục, công nghệ, ứng dụng các hiểu biết. Đồng thời, phát triển kĩ năng thực hành để nghiên cứu triển khai, phát triển và quản trị các công nghệ mới trong giáo dục. Cùng với đó, tích hợp hệ thống thông minh để tổ chức và quản lí hoạt động dạy học hiệu quả trong các môi trường giáo dục mới (hiện thực ảo - VR, thực tế tăng cường - AR, thực tế hỗn hợp - MR, E-learning và Blended learning).

Tại các cơ sở đào tạo trong nước, chương trình đào tạo bậc cử nhân ngành Quản trị công nghệ giáo dục cung cấp cho người học khối kiến thức chung trong lĩnh vực giáo dục, quản trị và công nghệ. Cùng với 2 hướng ngành đào tạo, hỗ trợ sinh viên hiểu rõ về công nghệ giáo dục và các công cụ quản lý, giúp sinh viên phát triển các giải pháp công nghệ giáo dục mới, nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Theo đó, hướng ngành 1 là quản trị hệ thống thông tin trong giáo dục, giáo dục trực tuyến, ứng dụng công nghệ mới trong giáo dục. Hướng ngành 2 là thiết kế, phát triển và quản trị công nghệ giáo dục thông minh.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tạo nhiều cơ hội việc làm

Lựa chọn trải nghiệm nghề nghiệp tại Công ty Cổ phần Dịch vụ & Truyền thông Minh Việt khi đang là sinh viên theo học ngành Quản trị công nghệ giáo dục, sinh viên Nguyễn Thành Công cho biết, qua thời gian trau dồi kinh nghiệm tại công ty, được thực hiện những công việc liên quan đến công nghệ và ngành học em đã phần nào hiểu hơn về công việc sẽ gắn bó.

Theo Công, thời gian đầu chưa quen công việc em được các anh chị hướng dẫn, dạy bảo nhiều. Sau khoảng thời gian thực tập, Công đã nắm được khá chắc về nghề như quá trình sản xuất học liệu số, làm quen với công nghệ thực tế ảo, video tương tác, app giáo dục...

Ngoài những kiến thức thực tế về công việc, Công cho biết, nhờ việc được đi làm thực tập sinh ở công ty lớn, em còn rèn luyện và học hỏi được nhiều kinh nghiệm như tác phong chuyên nghiệp và phát triển những kỹ năng về ứng xử, giao tiếp....

Vừa tốt nghiệp ngành Quản trị công nghệ giáo dục, em Bùi Thị Hà chia sẻ, đây là ngành đón đầu các xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục mới. Em may mắn khi còn là sinh viên đã có cơ hội được thực tập, làm việc với các doanh nghiệp đối tác của trường. Tại những đơn vị đó, em đã được áp dụng những kiến thức học được, bổ sung thêm những kiến thức thực tế để không bị bỡ ngỡ khi làm việc.

Theo Hà, sinh viên rất cần những trải nghiệm thực tế trong công việc ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Bởi sẽ giúp phát triển kỹ năng mềm, nhạy bén với các kiến thức mới và định hướng nghề nghiệp.

TS Tôn Quang Cường nhìn nhận, học ngành này sinh viên thu gặt thêm kiến thức và trải nghiệm với ngành nghề. Khi ra trường sinh viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ giáo dục.

Cụ thể, làm phát triển phần mềm ứng dụng dạy học, quản lí trong hệ thống giáo dục và các doanh nghiệp công nghệ giáo dục. Hay quản trị hệ thống thông minh, quản trị mạng, cơ sở dữ liệu, tư vấn phát triển hệ thống E-learning thế hệ mới, nhà trường thông minh. Hoặc nghiên cứu thiết kế, phát triển nội dung, học liệu số tương tác, phát triển ứng dụng web/app, giải pháp di động thông minh cho giáo dục.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể vững tin tự khởi nghiệp. Hơn nữa, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị công nghệ giáo dục có thể học tiếp lên bậc cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ), chủ động đón đầu các xu hướng EdTech (áp dụng công nghệ vào giáo dục) và chuyển đổi số trong giáo dục, làm chủ các công nghệ mới trong hệ sinh thái giáo dục thông minh.

“Tại trường, ngay từ khi còn là sinh viên năm 2, năm 3 sinh viên đã có cơ hội làm việc part-time với các công ty, doanh nghiệp đối tác của Khoa Công nghệ giáo dục. Theo thống kê, hiện nay khoảng 70% sinh viên chuẩn bị ra trường đã được các đơn vị tuyển dụng mời làm việc. Quá trình học, sinh viên cũng tham gia 2 kì thực tập khởi nghiệp và rèn nghề tại cơ sở giáo dục và doanh nghiệp là đối tác của khoa và Trường Đại học Giáo dục. Từ đây, nhiều sinh viên đã được kí hợp đồng làm việc full-time với doanh nghiệp khi còn chưa tốt nghiệp…” - TS Cường thông tin thêm.

Theo các chuyên gia, để học được ngành này, người học cần yêu thích, đam mê với công việc giáo dục; có tính kiên trì, chịu áp lực; có tinh thần đổi mới sáng tạo, chấp nhận công nghệ; có sự hiểu biết về kĩ thuật, công nghệ, máy tính, kĩ năng làm việc nhóm. Đặc biệt, người học cần sử dụng ngoại ngữ khá trở lên, ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu, nhạy bén với kiến thức mới, chuyên nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ