Ngành học Thương mại điện tử 'hot' với thu nhập hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong xu thế hội nhập 4.0, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành một ngành chiếm ưu thế. 

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng nhờ sự phát triển của Internet và nhu cầu mua hàng online. Ảnh: CĐSG
Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng nhờ sự phát triển của Internet và nhu cầu mua hàng online. Ảnh: CĐSG

Ngành này mang lại nhiều cơ hội việc làm và sinh viên ra trường cũng không cần lo lắng về vấn đề xin việc.

Ngành học “hot”

TMĐT (hay E-commerce/Electronic Commerce) xuất hiện và trở nên phổ biến từ những năm đầu 2010. Đến nay đã trở thành xu thế của lĩnh vực kinh doanh - thương mại, mua sắm... nhất là trong bối cảnh thế giới phẳng, “vạn vật kết nối” thông qua Internet.

Hiểu nôm na, TMĐT là ngành giao thoa, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng và vận hành hoạt động mua bán, quảng bá… nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh tiếp thị trực tuyến (website, mobile…).

Từ thời gian đại dịch Covid-19 cùng với tính tiện lợi từ việc giao - đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ - Forrester, năm 2020, 58% người tiêu dùng chọn chi tiêu trực tuyến, tăng 12% so với mức trước đại dịch.

Một báo cáo Khảo sát Triển vọng Kinh doanh thực hiện năm 2021, Công ty tư vấn tài chính Hoa Kỳ - LBMC nhận định, các ngành đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, một số ngành như công nghệ và dịch vụ chuyên nghiệp ít bị ảnh hưởng hơn do đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ở nhiều góc độ, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ Gen Z (thế hệ được sinh ra sau khi Internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ) đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay.

Theo các chuyên gia đánh giá, trong giai đoạn 5 - 10 năm tới, thế hệ Gen Z sẽ thay thế toàn bộ lực lượng lao động toàn cầu. Theo đó, kinh doanh TMĐT không chỉ đáp ứng thay đổi nhu cầu hiện tại mà còn đón đầu xu thế tiêu dùng tương lai.

Các xu hướng mua sắm hiện tại đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Theo ước tính, hơn 265 triệu người tiêu dùng sẽ mua sắm trực tuyến trong năm 2023. Chiến lược gia Michael Keenan, công ty TMĐT đa quốc gia Shopify của Canada mới đây cho biết, 2 năm trước, chỉ có 17,8% doanh thu được tạo ra từ mua hàng trực tuyến. Con số đó dự kiến sẽ đạt 20,8% vào năm 2023, tăng 2 điểm phần trăm trong thị phần TMĐT. Đà tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp diễn, đạt 23% vào năm 2025, tương đương với mức tăng 5,2 điểm phần trăm chỉ sau 5 năm.

Từ những phân tích trên cho thấy TMĐT là một trong những lĩnh vực đang “hot” nhất hiện nay. Đây cũng luôn là một trong những ngành nghề dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự, các doanh nghiệp sẵn sàng đưa ra những mức lương hấp dẫn để chiêu mộ nhân sự đáp ứng yêu cầu.

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Thu nhập hấp dẫn

Hiện nay, hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều có khối ngành về kinh tế, học sinh cần chọn một ngôi trường phù hợp với khả năng và tài chính.

Theo thông tin từ Trường Cao đẳng Sài Gòn, tính trung bình theo vị trí làm việc, mức lương của một sinh viên ngành TMĐT mới ra trường có thể đạt từ 5 - 7 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn tùy năng lực. Khi lên cấp bậc nhân viên hoặc chuyên viên, mức lương có thể lên đến 15 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung, mức lương ngành TMĐT thường “nhỉnh” hơn so với các ngành nghề khác. Đặc biệt, mức lương này không phụ thuộc vào bằng cấp đại học hay cao đẳng mà thường được quyết định theo kỹ năng và trình độ của lao động. Do đó, trang bị càng nhiều kiến thức, làm được càng nhiều việc độc lập thì mức lương sẽ tăng nhanh chóng.

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TPHCM thông tin, cơ hội việc làm ngành TMĐT rất cao bởi ngành này được dự báo cần nguồn nhân lực lớn trong tương lai. Với những kiến thức và thế mạnh về xây dựng chiến lược kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực công nghệ, tin học, ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có thể dễ dàng xin việc tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.

Sinh viên học ngành này ra trường sẽ có nhiều cơ hội làm việc ở một số vị trí như nhân viên phụ trách phát triển chiến lược kinh doanh trên nền tảng Internet, website, sàn TMĐT, mạng xã hội… hay những công việc quản lý, chuyên viên nghiên cứu, giảng viên ngành này làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… Đặc biệt, lợi thế cho sinh viên là trong chương trình giảng dạy có 65% kiến thức liên quan đến digital và marketing. Vì vậy khi ra trường bạn cũng có thể làm việc về mảng Digital.

Những tố chất cần có

Với đặc thù là ngành nghề năng động và yêu cầu tương đối khắt khe khi tuyển dụng nhân sự, bạn hãy trang bị sẵn sàng 3 yếu tố như ngoại ngữ, tích lũy nhiều kỹ năng về công nghệ và thích học hỏi, nâng cấp bản thân.

Theo đó, ngoại ngữ là “tấm vé thông hành” giúp bạn có mức lương cao khi mới ra trường. Hơn nữa, việc thông thạo tiếng Anh và càng nhiều ngoại ngữ khác chính là lợi thế cực kỳ lớn. Điều này giúp bạn tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu tham khảo, kết nối với nhiều chuyên gia trong ngành TMĐT thế giới và nâng cao cơ hội được trọng dụng, làm việc tại các công ty nước ngoài.

Tích lũy nhiều kỹ năng về công nghệ bởi các doanh nghiệp TMĐT luôn “khát” một đội ngũ hùng hậu ở nhiều vị trí nhân sự khác nhau như: Digital Marketing, Quản trị website, Chuyên viên phân tích hoạt động kinh doanh... Việc xác định sẽ làm việc ở vai trò nào ngay từ đầu giúp bạn chủ động trang bị nhiều kỹ năng bổ trợ như viết lách, SEO, UX design... Những kỹ năng sẽ là “lợi thế cạnh tranh” mấu chốt để ghi điểm khi đi phỏng vấn.

Về thích học hỏi và nâng cấp bản thân, để làm được điều này, sinh viên nên tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa về khởi nghiệp, kinh doanh, diễn đàn công nghệ... từ quy mô lớp học đến mở rộng quy mô toàn trường hay điển hình với các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, thiết kế website… Đây là những hoạt động giúp sinh viên tích lũy được thêm nhiều kỹ năng, kiến thức khi trải nghiệm từ thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ