Ngân hàng máu di động: Kết nối người cho với người nhận

GD&TĐ - Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) đã nghiên cứu thành công ứng dụng “Ngân hàng máu di động”.

Nhóm học sinh trình bày dự án trước bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lào Cai. Ảnh: NTCC
Nhóm học sinh trình bày dự án trước bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lào Cai. Ảnh: NTCC

Không những được đánh giá cao bởi tính sáng tạo, nhân văn, mà sản phẩm còn thể hiện sự độc đáo khi đưa chuyển đổi số vào công tác y tế, chăm sóc sức khỏe con người.

Loại bỏ bất cập

Đồng ý tưởng và nghiên cứu dự án là 2 học sinh Trần Phong (lớp 11 chuyên Anh) và Trần Mỹ Chi (lớp 11 chuyên Lý), Trường THPT chuyên Lào Cai. Trần Mỹ Chi trao đổi: Qua tìm hiểu, có nhiều bệnh nhân tử vong do không có nguồn máu quý để cung cấp kịp thời và đôi khi các phương pháp kêu gọi thủ công dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn máu quý hiếm…

Xuất phát từ vấn đề trên, nhóm đã xây dựng ứng dụng “Ngân hàng máu di động” chạy trên nền tảng Android với mong muốn sử dụng công nghệ giúp hỗ trợ tìm kiếm, kết nối chính xác từ bệnh viện, Hội Chữ thập Đỏ đến tình nguyện viên hiến máu có khoảng cách gần nhất, nhóm máu phù hợp nhanh nhất để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp và góp phần giảm thiểu lãng phí nguồn máu quý hiếm.

Trần Phong cũng chia sẻ lý do cả 2 cùng chọn nghiên cứu ứng dụng bởi công tác hiến máu tại Việt Nam được thực hiện với ba bước đó là vận động và tổ chức hiến máu; sản xuất lưu trữ cấp phát; truyền máu. Trong khi đó, khâu tuyên truyền, lựa chọn người hiến máu và tổ chức hiến máu thường kéo dài, đa số các cuộc vận động thông qua cơ sở y tế hoặc Hội Chữ thập Đỏ mới có các đợt hiến máu.

Như vậy, để có đợt hiến máu, công tác tuyên truyền vận động mất nhiều thời gian. Việc cho và nhận máu chưa hợp lý khi tại cuộc vận động, bên thu gom sẽ nhận tất cả nhóm máu của người hiến cho dù có nhóm máu chưa thực sự cấp thiết. Thế nhưng, những nhóm máu cần hoặc hiếm thì không tìm được người tình nguyện phù hợp. Và với nhiều trường hợp khẩn cấp, bệnh viện thiếu máu thường kêu gọi hiến máu qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Cách làm này bộc lộ hạn chế thông tin kêu gọi đến người hiến máu khả thi…

Từ những bất cập trong hỗ trợ hiến máu cứu sống người khẩn cấp, 2 học sinh với sự hướng dẫn của thầy giáo Mai Hồng Kiên đã nghiên cứu ứng dụng “Ngân hàng máu di động” thành công và khắc phục cơ bản những hạn chế.

Hai học sinh nghiên cứu dự án và thầy hướng dẫn Mai Hồng Kiên (giữa). Ảnh: NTCC
Hai học sinh nghiên cứu dự án và thầy hướng dẫn Mai Hồng Kiên (giữa). Ảnh: NTCC

Số hóa hoạt động hiến máu

Để triển khai ứng dụng “Ngân hàng máu di động”, Trần Mỹ Chi và Trần Phong đã tìm hiểu quy trình hiến máu, các ứng dụng hiến máu đang có trong nước… sau đó bắt tay vào xây dựng sơ đồ phân cấp chức năng, lưu đồ thuật toán, biểu đồ luồng dữ liệu...

Để tối ưu hóa sự tiện lợi cho người dùng khi sử dụng ứng dụng, nhóm còn tham khảo cách thiết kế giao diện cũng như trải nghiệm người dùng và các ứng dụng trên Google Play Store. Trước khi đưa vào thực tế, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm, trao đổi chuyên môn với 220 y bác sĩ, tình nguyện viên hiến máu và đạt kết quả cao.

“Nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nghiên cứu bởi chúng em đang học lớp 11, “tầng” kiến thức chưa thể bao quát hết, tài liệu tham khảo không nhiều; mặt khác phải bố trí thời gian phù hợp để bảo đảm cả việc học lẫn nghiên cứu… Tuy nhiên, bù lại chúng em được ứng dụng kiến thức đã học và tìm hiểu vào thực tế, thêm hiểu biết lĩnh vực nghiên cứu. Đặc biệt, nhóm được giao lưu với nhiều người ở các lĩnh vực khác nhau, cải thiện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, trình bày...”, Trần Mỹ Chi khẳng định.

Thầy Mai Hồng Kiên cho hay: Ứng dụng không thay thế hoàn toàn cách lưu trữ máu truyền thống nhưng giúp giảm tối đa được lượng máu lưu trữ ở trong bệnh viện, tránh nguy cơ lãng phí máu khi quá hạn sử dụng và dự đoán khả năng sẵn sàng hiến máu lần tiếp theo của người hiến bằng mô hình học máy...

Thực tế, công tác hiến máu và truyền máu hiện nay đã được đẩy mạnh, các ứng dụng để hỗ trợ cho việc hiến máu như S4Life, Hiến máu, The Blood Donor... được xây dựng. Song còn một số tồn tại và những ứng dụng này chưa phát huy hết chức năng tìm kiếm, kết nối người tình nguyện hiến máu trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt kêu gọi nhóm máu hiếm; chưa có ứng dụng nào đánh giá và dự đoán khả năng sẵn sàng hiến máu lần tiếp theo của người tình nguyện hiến máu dùng ứng dụng...

Chính vì vậy, khi nhóm học sinh đưa chuyển đổi số vào dự án của mình đã khắc phục được nhiều hạn chế, thể hiện tính sáng tạo, độc đáo cao. Thầy Ngô Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai, trao đổi: Đây là ứng dụng đầu tiên ở Việt Nam tích hợp hai công nghệ dịch vụ định vị vị trí của Google và mô hình học máy (Machine Learning) để phục vụ việc kêu gọi người hiến máu phù hợp nhất cũng như khẩn cấp và giảm thiểu một số hạn chế (tránh được nguy cơ lãng phí nguồn máu quý hiếm), kết nối nhanh nhất đến người cho có nguồn máu phù hợp để cấp cứu cho bệnh nhân.

“Những năm qua, việc nghiên cứu khoa học của học sinh nhà trường đạt nhiều thành tích tốt. Thời gian tới, trường sẽ nỗ lực tìm hướng đi mang tính đột phá và toàn cầu hơn để các dự án khoa học đạt nhiều thành tích cao trên “đấu trường” quốc tế, đặc biệt ở Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF”, thầy Xuân chia sẻ.

Dự án “Ngân hàng máu di động” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021 - 2022. Đồng thời là 1 trong 7 dự án của Việt Nam dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF 2022 do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (US Agency for International Development) tổ chức và được trao giải Ba (giải Chuyên đề) với giá trị 2.000 USD. Ứng dụng đã kết hợp hai chức năng đăng nhập với vai trò bệnh viện tạo yêu cầu hiến máu và đăng nhập với vai trò người dùng đăng ký hiến máu trên một phần mềm. Do đó, khả năng ứng dụng cao và hữu ích, ý tưởng tốt, khoa học và nhân văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ