Ngăn chặn từ gốc việc thuốc lá điện tử tấn công học đường Thủ đô

GD&TĐ - Việc kiểm tra đột xuất hàng quán, thuốc lá trên không gian mạng cũng là giải pháp ngăn chặn từ gốc thay vì 'hái phần ngọn' ở nhà trường.

Trường Tiểu học Hoàng Liệt nơi xảy ra sự việc học sinh nhập viện vì thuốc lá điện tử.
Trường Tiểu học Hoàng Liệt nơi xảy ra sự việc học sinh nhập viện vì thuốc lá điện tử.

Sự việc 8 học sinh tiểu học ở Hà Nội phải nhập viện vì thuốc lá điện tử tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo chất kích thích, chất gây nghiện tấn công vào môi trường học đường. Việc kiểm tra đột xuất hàng quán, thuốc lá trên không gian mạng cũng là giải pháp ngăn chặn từ gốc thay vì “hái phần ngọn” ở nhà trường.

Học sinh là nạn nhân

Chưa hết bàng hoàng về sự việc học sinh phải nhập viện vì thuốc lá điện tử, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sức khỏe của 8 học sinh đã ổn định và đi học bình thường nhưng sẽ là một bài học để rút kinh nghiệm.

Theo bà Hạnh, ngày 5/12, một học sinh lớp 3A2 của nhà trường nhặt được một điếu thuốc lá điện tử ở bên ngoài trường và mang đến lớp. Sau giờ ăn trưa ở trường, do tò mò nên 8 học sinh (cả nam và nữ) đã nghịch và sử dụng điếu thuốc lá điện tử đó.

Đến khoảng 12 giờ 25 phút cùng ngày, nhà trường phát hiện các em có biểu hiện buồn nôn nên đã cùng phụ huynh học sinh đưa các em vào Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra.

Tại bệnh viện, sau khi được các bác sĩ kiểm tra, có 3 học sinh hít phải khói thuốc sức khỏe ổn định được về nhà ngay, 5 học sinh hút điếu thuốc lá điện tử thì được ra viện vào sáng hôm sau 6/12. Tình trạng sức khỏe của nhóm học sinh đến ngày 7/12 đều ổn định và đi học bình thường.

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh cũng cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp tích cực phối hợp với phụ huynh học sinh đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử đối với học sinh, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, tránh.

Liên quan đến sự việc trên, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục tăng cường tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử tới học sinh, phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn các con tránh xa thuốc lá điện tử, làm công tác tâm lý, không để học sinh hoang mang, sợ hãi.

Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cũng chỉ đạo các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận tăng cường kiểm tra và triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh.

Được biết, liên quan đến sự cố này, chiều 7/12 Công an phường Hoàng Liệt phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Hoàng Mai) đã làm việc với đại diện Trường Tiểu học Hoàng Liệt.

Chặn thuốc lá điện tử từ đâu?

Nhiều mẫu thuốc lá điện tử trên thị trường.

Nhiều mẫu thuốc lá điện tử trên thị trường.

Là một trong những ngôi trường có số lượng học sinh đông nhất nhì Thủ đô, bà Đặng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, thuốc lá điện tử tấn công học đường không phải là vấn đề mới, Phòng GD&ĐT quận đã có nhiều cảnh báo tác hại của thuốc lá đến các trường học.

“Không một tiết chào cờ thứ Hai nào nhà trường không tuyên truyền và cảnh báo về tác hại của thuốc lá điện tử đến các em học sinh...”, bà Đặng Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Về giải pháp ngăn chặn thuốc lá điện tử tấn công học đường, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt cho rằng cần phải đồng bộ giải pháp từ cơ quan chức năng, trong đó phải chặn từ nguồn gốc thuốc lá điện tử xuất hiện đến tay học sinh.

“Cơ quan chức năng nhằm vào các nhà trường khi có học sinh hút thuốc lá thì chỉ là đi hái ngọn. Quan trọng nhất là phải vào cuộc kiểm tra hàng quán ở xung quanh trường học có buôn bán thuốc lá điện tử hay không? Xử lý tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử trên mạng xã hội như thế nào, đó là giải pháp căn bản để chặn thuốc lá điện tử tấn công học đường chứ không riêng gì chỉ tuyên truyền trong ngành Giáo dục. Bởi xử lý tình trạng học sinh hút thuốc lá ở trường học chỉ là hái phần ngọn...”, bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt nêu giải pháp.

Mới đây (ngày 7/12), Công an Hà Nội đưa ra cảnh báo về trào lưu thuốc lá điện tử được giới trẻ ưa chuộng, nhất là học sinh, sinh viên.

Công an Hà Nội nhận định, sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây…) cùng những lời quảng cáo: Không gây hại, văn hóa hút thuốc lành mạnh, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện “cái tôi” của “tuổi mới lớn”.

Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã phun, tẩm một số thành phần có chứa chất ma túy, gây ảo giác, kích thích cho người dùng, gây ra những hệ lụy khôn lường cho bản thân và xã hội.

Cơ quan công an khuyến cáo, đối với gia đình, bố mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe con, quan sát các hoạt động trong cuộc sống của con trên cơ sở đồng hành, tôn trọng, tránh dẫn tới hành vi chống đối do bị áp đặt. Đồng thời, phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của con, em mình, quản lý con, em mình chặt chẽ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Cùng với đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên nói chung không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội.

Do đó, nhà trường cần khuyến cáo không sử dụng ma tuý, không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử nói riêng; tuyên truyền cho học sinh, sinh viên hiểu biết đầy đủ về những tác hại khôn lường của thuốc lá, của ma túy, để cùng xây dựng môi trường lành mạnh, không khói thuốc lá.

Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất kích thích trong nhà trường: Nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng... để tránh nguy cơ chất kích thích, chất gây nghiện tấn công học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ