Hệ lụy khủng khiếp từ việc buông lỏng thuốc lá điện tử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chưa được phép thương mại tại Việt Nam, nhưng thuốc lá điện tử đang được quảng cáo tự do, buôn bán công khai trên các trang mạng.

Thuốc lá điện tử dễ dàng được tìm mua, đặt hàng trên mạng.
Thuốc lá điện tử dễ dàng được tìm mua, đặt hàng trên mạng.

Quảng bá, mua bán ngập trang mạng

Thời gian qua, thuốc lá điện tử đang dần thay thế vai trò của thuốc lá truyền thống, thậm chí phổ biến hơn trong bộ phận giới trẻ. Với mẫu mã bắt mắt, sành điệu, không có mùi khó chịu như thuốc lá điếu và càng ngày càng được thiết kế nhỏ gọn hơn, các loại thuốc lá điện tử như pod, vape đang được giới trẻ (cả nam và nữ) sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi.

Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam, nhưng trên thực tế người có nhu cầu không khó để đặt mua trên các trang mạng.

Đặc biệt việc quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gần như tự do và ít bị kiểm soát. Chỉ cần một cái click chuột, một cuộc gọi điện thoại, bất cứ ai có trong tay từ vài trăm nghìn cũng có thể sở hữu loại sản phẩm này.

Gõ từ khóa “địa chỉ mua thuốc lá điện tử” trên Google là có thể nhận về hàng triệu kết quả với những lời quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bằng những hình ảnh rất bắt mắt.

Tương tự, tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, một số group chuyên bán mặt hàng thuốc lá thế hệ mới có tới hàng nghìn thành viên, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ.

Sự mới lạ của thuốc lá điện tử với nhiều loại hương thơm hấp dẫn như kẹo, trà sữa, trái cây… cùng những lời quảng cáo “không gây hại”, “hút thuốc lành mạnh”, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện bản thân của tuổi mới lớn.

Tổ chức Y tế thế giới đã thống kê tỷ lệ tử vong do thuốc lá là 8 triệu người, có thêm 1 triệu người tử vong do thuốc lá thụ động. Ở Việt Nam, cứ 7 người thì có 1 người tử vong do thuốc lá gây ra. Chi phí cho thuốc lá ở Việt Nam chiếm 1% GDP. Đây là con số bỏ ra rất lớn. Việt Nam là một nước có người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới.

Sát thủ thầm lặng

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam).

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam).

Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Cuối tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân nữ 14 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, kích thích nhiều, tím tái, đồng tử giãn, nguy cơ suy hô hấp và tử vong cao.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại, theo dõi ngộ độc nicotine. Theo lời kể, bệnh nhân cùng nhóm bạn được cho một loại thuốc lá điện tử, sau khi hút thử bệnh nhân co giật, mất ý thức và phải đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhân được cấp cứu và xử trí truyền dịch, thở oxy…, đã qua cơn nguy kịch, tiếp tục được theo dõi và điều trị.

Được biết, trong khoảng hơn 1 tháng trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận ít nhất 5 trường hợp bệnh nhân là học sinh nhập viện do ngộ độc nicotine sau khi hút thuốc lá điện tử.

Gần đây nhất (tháng 11/2022), một bệnh nhân nam 12 tuổi là học sinh của một trường THCS ở Hà Nội đã đến khám tại Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) với tình trạng khó thở và co giật.

Gia đình bệnh nhân cho biết em là học sinh ngoan, học giỏi, nhưng bố đi làm xa, mẹ bận công việc nên không dành thời gian quan tâm, giám sát. Gần đây, con trai hay tụ tập với các anh lớp trên ở trường học, các anh đã rủ bé sử dụng thuốc lá điện tử.

Sau đó, nam sinh này đã tự mua thuốc lá điện tử trên mạng để hút. Cùng với việc hút thuốc lá điện tử, cậu bé cũng có biểu hiện học sa sút hơn, bướng bỉnh, có hành vi chống đối với bố mẹ.

Tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam ngày 25/11 vừa qua, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho biết, theo điều tra sức khỏe học đường của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, năm 2019, có 2,6% học sinh lứa tuổi 13 đến 17 đã từng sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM cao hơn, khoảng 8% học sinh ở lứa tuổi trên sử dụng.

Nhiều học sinh, sinh viên cho rằng, thuốc lá điện tử không độc hại lại thơm miệng, thể hiện sự sành điệu. Tuy nhiên thực tế, thuốc lá điện tử chứa chất độc giống thuốc lá truyền thống.

Trong thuốc lá điện tử có chứa nhiều loại hương liệu độc, các sản phẩm này đều có chất nicotine là chất gây nghiện, rất có hại cho sức khỏe cả người hút và người xung quanh. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotine, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…

Sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và lối sống của giới trẻ, nhất là hậu quả lâu dài như rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, làm tăng nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện khác như rượu hay ma túy.

Bác sĩ Lâm cũng khuyến cáo, không nên sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập. Sau khi sử dụng thuốc lá điện tử thấy có dấu hiệu tiếp xúc chậm, lơ mơ, khó thở, có dấu hiệu ngộ độc hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

“Để hạn chế tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình rất quan trọng. Các bậc phụ huynh cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát các hoạt động trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng, tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt.

Đồng thời, phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường”, bác sĩ Lâm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ