Ngoài ra, ông Phan Xuân Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Phê, nhận 210 triệu đồng để chạy việc từ một giáo viên cũng bị đã cách chức.
Những đối tượng xấu lợi dụng việc sinh viên sư phạm ra trường cần việc làm nên ra giá cho từng vị trí công tác. Khi nhận tiền xong thì các sinh viên chỉ được ký hợp đồng thời vụ, ngắn hạn và có nguy cơ chấm dứt hợp đồng lao động bất cứ lúc nào; có trường hợp giáo viên chỉ được phân công dạy 4 tiết/tuần, với mức lương từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng/tháng nhưng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để có một suất dạy hợp đồng.
Đây là thực trạng xảy ra trên thực tế, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì các hành vi cố ý làm trái, tiêu cực, vụ lợi của một số đối tượng sẽ diễn ra phổ biến, đồng thời, dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ đội ngũ giáo viên, nghiêm trọng hơn sẽ làm xói mòn lòng tin của ngành Giáo dục và hình ảnh của người thầy trên bục giảng. Bên cạnh đó, còn là cơ hội cho những đối tượng lừa đảo, tung tin giả mạo.
Biên chế ngành Giáo dục thì hạn chế, không thể đáp ứng một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường, do đó, việc phát sinh tiêu cực, chạy chọt để có vị trí việc làm là không thể tránh khỏi. Mặt khác, vì không có chỉ tiêu biên chế nên giáo viên phải dạy hợp đồng, lương thấp nên phải còng lưng làm những việc khác để trả số tiền đã vay khi chạy việc…, vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và công tác của giáo viên.
Để ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong việc hợp đồng, tuyển dụng giáo viên trong ngành Giáo dục cần phải thực hiện các giải pháp như: Phải thông báo công khai các chỉ tiêu viên chức giáo dục được giao cho địa phương và từng cơ sở giáo dục; tổ chức thi tuyển giáo viên phải công khai, minh bạch; hạn chế việc ký hợp đồng lao động với các giáo viên; tăng cường kiểm tra, giám sát cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tuyển dụng giáo viên… Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; khuyến khích việc tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc nhận tiền chạy việc để cơ quan có thẩm quyền xử lý.