Để xin được giảng dạy, nhiều giáo viên phải chạy vạy khắp nơi vay mượn hàng trăm triệu đồng chạy việc nhưng chỉ được nhận một suất dạy hợp đồng với mức lương 1-2 triệu đồng/tháng. Và rồi cuối cùng họ cũng đối diện nguy cơ mất việc vì giáo viên dôi dư quá nhiều.
Tâm sự với tôi về vấn đề này, một giáo viên có thâm niên trong nghề sư phạm ở một trường chuyên Nghệ An đau đớn khẳng định, thời gian qua, cái câu “chạy biên chế” có thể coi là những từ nóng hổi và nhức nhối nhất trong ngành giáo dục. Có quá nhiều vấn đề trông thấy rành rành nhưng vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Vị thầy giáo này còn cho biết, không những chạy biên chế giáo dục mà một giáo viên muốn chuyển từ trường này sang trường khác, từ vùng núi về đồng bằng, bất kể vì lý do gì cũng cần phí bôi trơn. Quá đau cho ngành giáo dục. Trong lúc cả xã hội đang kêu gọi đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thì vấn đề này lại không thể giải quyết trong khi nó tồn tại trong suốt thời gian dài.
Thẳng thắn mà nói, việc giáo viên ra trường “chạy” vào biên chế không phải là cá biệt, hiếm hoi.
Một sinh viên sư phạm ra trường dù giỏi, khá hay trung bình, dù ở thành phố hay nông thôn đều xác định có vài trăm triệu thì hãy nghĩ tới việc đi dạy. Chẳng đâu xa, tôi có một cô cháu tốt nghiệp sư phạm Vinh loại giỏi đã 3 năm nay nhưng ngày ngày vẫn cuốc bộ hàng chục cây số để đi thu tiền điện thoại kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ. Khi được hỏi thì nói đã xuất 300 triệu để chạy một suất đi dạy THCS nhưng người ta nói phải “chờ”.
Nghịch lý ở đây đó là, sau khi bỏ hàng trăm triệu đồng để đi dạy, những giáo viên này nhận được mức lương bao nhiêu? Cụ thể trong trường hợp ở Đắk Lắc, sau khi chạy vạy ngược xuôi vay mượn hàng trăm triệu đồng chạy chọt, lo lót, để rồi nhận được mức lương 1-2 triệu đồng/tháng. Thử hỏi sau bao lâu họ mới trả hết số nợ kếch xù đó, chưa nói đến việc chưa kịp trả thì đã bị đẩy ra đường không thương tiếc.
Đằng sau những những câu chuyện đau lòng ấy là nỗi lo ngại cho sự phát triển của ngành giáo dục, lo ngại những giáo viên thực sự giỏi, thực sự yêu nghề lại không được đi làm.
Và một câu hỏi lớn đang được dư luận đặt ra đó là. Hàng trăm triệu/suất đi dạy, số tiền này sẽ vào túi ai? Có hay không lợi ích nhóm trong vấn đề này? Một sinh viên thi vào trường sư phạm với mong muốn được phục vụ ngành giáo dục, được thỏa mãn đam mê làm nghề nhưng để đạt được điều đó thì không hề dễ dàng chút nào cho dù có giỏi cỡ nào chăng nữa.
Phải chăng quy trình tuyển dụng giáo viên hiện nay đang có vấn đề. Và… vấn đề ở đây là gì?
Dư luận có lẽ vẫn chưa quên chuyện “lạ” về việc thi tuyển viên chức ở Hà Nội. Một thạc sĩ vật lý tốt nghiệp ở Pháp, đang giảng dạy hợp đồng tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, là thầy của nhiều học sinh được giải trong kỳ thi trong nước, khu vực và quốc tế nhưng lại trượt trong kỳ thi tuyển công chức của thành phố năm 2014.
Tuy trượt viên chức nhưng thạc sĩ này lại được một trường THPT ngoài công lập mời sang làm hiệu phó đồng thời vẫn ký hợp đồng để giảng dạy tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Sự việc này cho thấy một bất cập rất rõ trong quy trình thi tuyển viên chức, trong đó người sử dụng lao động không có vai trò gì trong việc tuyển dụng lao động cho đơn vị mình.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra bất cập có thật ở nhiều địa phương là giáo viên “chạy việc” rất khó, nhiều người phải “mai phục” dạy hợp đồng mãi vẫn không được vào biên chế.
Nói về việc tuyển dụng công chức hiện nay, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, từng cho rằng thực tế là trong thi tuyển công chức, viên chức hiện nay đôi khi việc thi tuyển chỉ là hình thức. Còn người ta đã sắp đặt trước hết rồi. Thi chỉ để hợp thức hóa dẫn đến chuyện người có tài năng thực sự lại trượt, còn quen biết có khi lại đỗ.
Trên báo chí, Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT, từng nhiều lần khẳng định, công tác tuyển dụng, phân bổ giáo viên ở nước ta chứa đựng sự khập khiễng và bất cập. Cái bất cập, khập khiễng lớn nhất chính là công tác tuyển dụng giáo viên, nhà giáo mà lại do cơ quan nội vụ tuyển. Ví dụ ở huyện thì có phòng Nội vụ tuyển, ở tỉnh thì do sở Nội vụ tuyển, lên cao hơn thì do Bộ Nội vụ tuyển. Việc tuyển giáo viên là để phục vụ cho ngành giáo dục thì phải để ngành giáo dục tuyển dụng, vì họ cần bao nhiêu, cơ cấu giáo viên ra sao thì họ mới tuyển trúng và đúng được.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương từng cho rằng: "Việc tuyển dụng không nói lên điều gì khi mà thực tế sử dụng cán bộ, người quản lý trực tiếp mới là người hiểu rõ công chức đó thực sự có năng lực hay không, lại không có quyền được tuyển dụng. Tôi nghĩ thủ trưởng là người biết rõ điều đó, nên phải tạo cho người ta cơ chế để tuyển dụng dễ dàng hơn và sa thải cũng dễ dàng hơn".
Sở dĩ sự việc 500 giáo viên ở Đắk Lắc khiến dư luận cả nước hết sức quan tâm, bởi lẽ một phần là cần bảo vệ quyền được dạy của những nhà giáo này. Phần khác, đây chính là biểu hiện cụ thể nhất của những bất cập trong tuyển dụng.
Đây là một vấn đề rất lớn, nó phản ánh sự không phù hợp trong cơ cấu tuyển dụng giáo viên ở nước ta hiện nay. Vấn đề then chốt này không được giải quyết thì sẽ còn nhiều ông hiệu trưởng như ông hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây.
Như nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận một câu mà sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm "Thân làm tướng mà không được tuyển quân, không được điều quân thì ra trận làm sao mà thắng được. Tướng chỉ được đánh trên giấy thì khó nắm phần thắng lắm".