Muốn có văn hoá đọc phải có tình yêu với sách

Muốn có văn hoá đọc phải có tình yêu với sách
(GD&TĐ)- Để tạo lập được thói quen đọc sách, bản thân các bạn Thanh niên phải tạo ra được tình yêu đối với sách. Đồng thời, các nhà văn, nhà thơ phải thay đổi cách nhìn để phản ánh kịp tư duy hiện đại của cuộc sống hôm nay, trong đó có thanh niên.
Nhân “Tháng đọc sách viết về Thăng Long- Hà Nội” do Thành đoàn Hà Nội phát động nhằm thiết thực hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng- Long Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương- Giảng viên khoa Báo chí- trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn- ĐH QGHN về chủ đề: thanh niên và văn hoá đọc hôm nay.
Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương. Ảnh, gdtd.vn
Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương. Ảnh, gdtd.vn
PV: Thưa tiến sĩ, về vấn đề văn hoá đọc của thanh niên hôm nay, có ý kiến cho rằng đang trên đà sa sút, Tiến sĩ nhận xét như thế nào về vấn đề này và đâu là nguyên nhân?
Tiến sĩ Khoa học (TSKH) Ngữ văn Đoàn Hương: về văn hóa đọc của thanh niên hiện nay, có ý kiến cho rằng vấn đề này có sa sút, nhưng tôi nghĩ không phải là sự sa sút chung mà chỉ ở một bộ phận nhỏ thanh niên mà thôi. Thanh niên hôm nay, ngoài văn hóa đọc, họ đam mê nhiều văn hóa khác nữa, ví dụ như văn hóa mạng.
Văn hóa truyền thông trên thế giới hiện nay đang trở thành những cơn bão lớn đòi hỏi người thanh niên phải (vượt qua và) trưởng thành trong cơn bão đó thì mới tìm được văn hóa đọc. Cho nên, có sự sa sút của văn hóa đọc thì tôi nghĩ rằng đó chỉ có trong một bộ phận nhỏ thanh niên và đó cũng là do hoàn cảnh khách quan.
Dẫu sao hôm nay, với một chiếc laptop xách tay, người ta có thể ung dung đi vào thế giới, đi xuyên qua thế giới (bằng Thông tin- PV). Cho nên những quyển sách dần trở thành xưa cũ. Do vậy mình cũng không nên trách thanh niên, tôi muốn nói, ngày hôm nay, các nhà văn, các nhà thơ, nghệ sĩ phải thay đổi cách nhìn về thế giới. Đây mới là vấn đề quan trọng.
Hôm nay các bạn đi ra thế giới, các bạn thấy xuất hiện các quyển sách bỏ túi rất nhiều. Sách này người ta sẽ không mang theo trong những cuộc hành trình xa xôi; mà người ta chỉ đọc ở những sân bay, nhà ga, hoặc trong những sảnh chờ khách sạn. Đọc xong, người ta bỏ vào thùng rác riêng để dễ dàng tái chế.
Pv: Vậy thưa Tiến sĩ, văn hoá đọc hôm nay đã rất khác so với trước kia?
TSKH. Đoàn Hương: Vì người hiện đại bây giờ nếu không làm chuyên ngành mà phải ngồi đọc những cuốn như “Chiến tranh và Hòa bình”, hoặc với Balzăc, Lev Tolstoi… thì quả là vất vả. Những cuốn sách trên 2.000 trang, đòi hỏi thời gian quá lớn, tôi nghĩ dẫu sao cũng phải nói rằng thi pháp của văn chương thay đổi rồi.
Thế kỉ 19 là thế kỷ chưa có cơn bão táp của truyền thông đi qua. Vì thế người ta có thể ung dung ngồi trước lò sưởi trong mùa đông đọc những cuốn sách dày. Nhưng đến nay là thế kỷ 21, ngay bản thân tôi thường xuyên làm công tác nghiên cứu cũng phải bố trí thời gian cực kỳ chặt chẽ để đọc những cuốn sách dày. Những người làm công tác chuyên môn đã vậy thì chúng ta trách thanh niên ít đọc làm sao được, hơn thế nữa hiện nay đang là bão táp công nghệ thông tin.
Cho nên, ngày hôm nay, chính Văn học, Nghệ thật phải thay đổi bộ dạng của nó: dung lượng sách phải nhỏ lại, ngắn đi. Đầu thế kỷ 20 truyện được coi là ngắn khoảng 2000 chữ, nhưng đến hôm nay, đã là chuyện ngắn thì chỉ nên từ 1.000 đến 500 chữ và trong tương lai là 300 chữ.
Vì sao vậy. Vì chúng ta sẽ đọc lướt ở trên những chuyến tàu cao tốc, đọc lướt trên những chuyến bay, hoặc khi ngồi trong những sân bay xa xôi. Khi ấy, chúng ta phải đọc rất nhanh. Cho nên tôi không chỉ trách phía người đọc, đặc biệt là thanh niên, mà chúng ta phải tự thay đổi mình, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, thời đại thay đổi rồi.
Pv: Với bản thân thế hệ trẻ, theo Tiến sĩ, làm thế nào để họ tạo lập được thói quen đọc sách?
TSKH. Đoàn Hương: Tháng phát động này của Đoàn thanh niên về đọc sách tôi cho rằng rất là quan trọng, vì nó tạo lập được thói quen đọc sách cho Đoàn viên thanh niiên. Khi tôi nói những điều ở trên, hoàn toàn không muốn thanh minh nguyên do vì đâu thanh niên không đọc sách. Nhưng trong những nguyên do đó thực ra có lỗi của chính các bạn trẻ.
Đành rằng cuộc sống hiện đại là vất vả tất bật, bản thân tôi cũng thế, thậm chí tôi còn tất bật hơn các bạn, đêm tôi còn viết suốt đêm đến sáng nhưng tôi vẫn có thời gian giành để đọc sách.
Vì sao vậy, vì đọc sách là một tình yêu. Khi nào chúng ta quan niệm (coi) việc gì đó, vấn đề nào đó là một tình yêu, thì chúng ta làm việc đó rất thoải mái. Nếu giả sử hôm nay, tổ chức Đoàn quyết định cưỡng chế mỗi tháng thanh niên phải đọc 2 quyển sách thì đó sẽ trở thành chuyện cười của thế kỷ.
Tôi cũng phải nói rằng Văn học- Nghệ thuật hôm nay của Việt Nam chưa đáp ứng được bước đi của thời đại. Họ không viết về những vấn đề nóng bỏng của xã hội nhất là với cuộc sống xã hội đang đi với tốc lực nhanh như thế này. Ví dụ như trong thơ ca hiện nay, vẫn tràn ngập những nỗi buồn, những chuyện thất tình, giận dỗi nhỏ nhoi. Trong văn chương cũng vậy, những nỗi đau buồn bé tý, không hợp với con người hiện đại hôm nay. Vì con người hiện đại sáng ở Hà Nội, trưa đã ở Pari  rồi. Cứ phát triển như vậy, Văn học- Nghệ thuật làm sao mà phù hợp được tốc độ của đời sống, tư duy, sự phát triển của xã hội con người hiện đại.
Tóm lại, đây là vấn đề của cả hai phía, bản thân phía độc giả, trong đó có thanh niên cũng phải tạo ra được tình yêu đối với sách vở, vì sách vở có một bề dày sâu sắc, chứa đựng được những văn hóa không chỉ của dân tộc mà còn của cả nhân loại.
Đồng thời các nhà văn, nhà thơ cũng phải thay đổi cách nhìn của mình về thế giới để phản ánh kịp tư duy hiện đại của cuộc sống hôm nay, nhất là đối với thanh niên. 
Muốn có văn hoá đọc phải có tình yêu với sách ảnh 2
 Trong phòng tra cứu sách của thư viện trường ĐH KHXH&NV- ĐHQGHN. Ảnh, gdtd.vn
PV: Một câu hỏi khác bên lề nhưng có động thái liên quan, Tiến sĩ có thể gợi mở cho các bạn trẻ, nhất là các tân sinh viên, mới bước vào quá trình học tập và nghiên cứu cách tiếp cận sách và đọc 1 cuốn sách như thế nào sao cho hiệu quả?
TSKH. Đoàn Hương: Tôi đi giảng dạy ở cnhiều nơi, nhiều bạn thanh niên có hỏi tôi: bây giờ cô kê cho các em một cái list về sách, những quyển mà các em thích đọc, cần đọc, thú thật đối với tôi đây là cả một vấn đề.
Khi tiếp cận một cuốn sách, chúng ta phải biết đang cần gì ở cuốn sách đó. Khi đọc sách, tôi hay đọc lướt. Nhưng đọc lướt có phương pháp, điều này rất cần cho những người (các bạn sinh viên mới) có ý định học tập và nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Khi tiếp cận sách, tôi đọc lướt cuốn sách rất nhanh, thậm chí là đọc ngược cuốn sách- đọc từ mục lục trở lại, để biết rằng cuốn sách đó có phải là cuốn sách tôi đang cần hoặc có phù hợp với tôi không. Tiếp theo là sau khi đọc lướt, hãy đánh dấu, bằng cách nào đó, tuỳ cách của từng người, hãy đánh dấu những đoạn quan trọng để đọc lại, đọc kỹ hơn. Với sách của các vĩ nhân viết, hãy đọc phần tổng kết trước. V.I.Lê nin là một ví dụ, khi viết sách, Người hay viết ngược, viết tổng kết trước, do vậy phải đọc ngược. 
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.