Vụ việc một lần nữa làm dư luận phẫn nộ và cảm thấy bất an, bất an ngay cả những người thân ở trong cùng một gia đình và ngay cả những người ruột thịt cũng phải dè chừng, giám sát lẫn nhau không để hành vi bạo hành với con cái của mình.
Hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã vào cuộc, có biện pháp cách ly bé Thảo với cha ruột và mẹ kế, do hai người này có những hành vi dã man, hành hạ gây ra nhiều thương tích cho cháu Thảo.
Vụ việc này cần phải xem xét lại trách nhiệm nuôi dưỡng của người bố đẻ, trong trường hợp cần thiết thì có thể tước bỏ quyền nuôi dưỡng của bố đẻ để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bé Thảo.
Trẻ con không có lỗi, nếu các cháu có lỗi cũng là do lỗi của cha mẹ không dạy dỗ, giáo dục mà ra. Người ta thường nói “hổ dữ cũng không ăn thịt con” thế mà bố ruột lại dí sắt nóng vào người con, kiểu tra tấn thời kỳ trung cổ là không thể chấp nhận được, kẻ gây ra hành vi dã man trên cần phải bị trừng trị theo đúng pháp luật.
Từ xưa đến nay, khi trẻ em phải sống trong cảnh mẹ kế con chồng, cha dượng với con riêng của vợ đã để lại nhiều câu chuyện buồn về tình trạng hành hạ, ngược đãi. Sở dĩ, những đứa trẻ phải ở cha dượng hay mẹ kế cũng do số phận đưa đẩy, chứ các cháu nào có muốn.
Người ta thường nói “khác máu thì tanh lòng”, bởi vì không có tình thương nào cao quý hơn tình thương của cha mẹ ruột dành cho con cái, nếu không phải là ruột thịt thì rất ít khi phát sinh tình yêu thương, nếu có thì chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm với những người đã nhờ đỡ việc trông nom, nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là trong xã hội chúng ta không có những người cha dượng, mẹ kế tốt bụng, vị tha, hết lòng thương yêu con riêng của chồng hoặc của vợ nhưng thực tế những người như vậy thường rất ít.
Vụ việc trên một lần nữa cho thấy, thực trạng bạo hành đối với trẻ em ngày càng phổ biến, nhất là những gia đình có sự đổ vỡ về hôn nhân, khi mà cha mẹ các em cố gắng đi bước nữa.
Khi hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ, đau khổ nhất, tủi thân nhất vẫn là các em, bởi vì các em phải lựa chọn một việc mà các em không hề mong muốn, đó là phải sống với cha hay với mẹ; các em phải sống trong hoàn cảnh thiếu vắng một nữa tình yêu thương; phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị bạo hành, ngược đãi của cha dượng hay của mẹ kế.
Đau khổ nhất là tình trạng cha dượng xâm hại tình dục đối với con gái riêng của vợ mà báo chí đã phanh phui thời gian qua. Nhưng đáng trách hơn là những người trong cuộc, tức là mẹ ruột của bé gái lại im lặng, không lên tiếng để mặc nhiên cho người cha dượng xâm hại con riêng của mình – Đó chính tội ác không thể tha thứ.
Trở lại vụ việc bé Thảo ở Kiên Giang bị bố ruột và mẹ kế dí sắt nóng vào người nêu trên hiện chúng ta đang thiếu một cơ chế giám sát xã hội, bảo vệ các em ở trong những gia đình mà hôn nhân bị đổ vỡ.
Bởi, khi hôn nhân đổ vỡ thì các em luôn chịu nhiều tổn thương, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội, nhất là các tổ chức đoàn thể nơi cư trú.
Qua giám sát nếu phát hiện vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra, cần phải cách ly trẻ em với người thân đã bạo hành, có thể giao cho người thân khác trông nom, chăm sóc, trong trường hợp cần thiết có thể đưa vào các Trung tâm bảo trợ xã hội để được chăm sóc, giáo dục, đảm bảo cho các em được sống trong môi trường tốt nhất.