Đại loại, sau một hồi gọi điện cho Giám đốc Công an TP Hà Nội (không biết thật hay bỡn), thanh niên này hùng hồn tuyên bố: Nếu không làm cho hai đồng chí cảnh sát bị đuổi việc thì cứ chặt đầu anh ta...
Những chuyện “cáo mượn oai hùm” kiểu như trên không phải hiếm. Thực tế, người ta “nghĩ” ra rất nhiều cách, nhiều kiểu, nhiều chiêu, một mặt nhằm “giải quyết khâu oai” như in các dòng chữ: Văn phòng này, văn phòng kia, cơ quan này, cơ quan nọ kính biếu lên các vật dụng như ấm chén, sổ, cặp, túi...
Hoặc có trường hợp thì nhân dịp khánh tiết nào đó có lãnh đạo về dự sẽ tìm mọi cách để đứng cạnh khi chụp ảnh, sau đó về treo với mục đích giải quyết khâu oai, “lòe” thiên hạ rằng mình quen người này, người nọ. Cũng có thể không loại trừ những hành động này nhằm mục đích tìm kiếm cơ hội để trục lợi cá nhân hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác...
Bên cạnh đó, cũng có việc một số cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng quen biết với lãnh đạo cấp cao để ra oai, dọa dẫm người khác. Một số khác, chẳng phải “ông nọ, bà kia” nhưng cũng khoe khoang, thậm chí “vẽ” ra những câu chuyện không có thật về mối quan hệ thân tình với lãnh đạo nhằm “dụ” người khác để trục lợi, kiểu như có việc gì khó khăn không để tôi nói với lãnh đạo một câu cho.
Hoặc việc này đơn giản, nhưng không quen biết thì cũng rất khó... Hậu quả là không ít người đã phải mất tiền oan, còn uy tín của lãnh đạo cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, dù đây là việc không có thật...
Để ngăn chặn tình trạng này, từ năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 5760/VPCP-NC truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố, về việc xử lý các cá nhân tự giới thiệu, tự nhận là người nhà, người thân lãnh đạo.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc đề cao cảnh giác, không để các đối tượng này lợi dụng thực hiện các hành vi không đúng quy định của pháp luật.
Trong xử lý công việc, thực hiện đúng quy định, không được để các mối quan hệ, yếu tố bên ngoài chi phối, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ... Ở địa phương, mới đây nhất, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông đã có thư gửi các sở, ngành và tổ chức cơ sở cảnh báo tình trạng mượn danh ông để... “ra oai”, “chém gió”, “xin xỏ”.
Bởi vậy, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông đề nghị các cá nhân, tổ chức Đảng, cơ quan, ban ngành địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, không đón tiếp, thực hiện các nội dung yêu cầu của một số cá nhân lợi dụng danh nghĩa Bí thư Tỉnh ủy và người nhà trong thực thi công vụ và mối quan hệ xã hội...
Việc mượn danh, mượn oai của lãnh đạo cấp trên để hù dọa, lừa bịp người khác nhằm vụ lợi cá nhân không những làm ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo, hình ảnh của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị mà còn gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với xã hội.
Thậm chí gây hoang mang dư luận, mất đoàn kết nội bộ, làm mất niềm tin của người dân... Bởi vậy, đã đến lúc cần có biện pháp, chế tài mạnh hơn nữa, để “cáo” không thể, không dám “mượn oai hùm”!