Nga vượt Mỹ về chế tạo vũ khí siêu thanh

GD&TĐ - Đầu tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, Nga đã vượt xa trong việc thiết kế vũ khí mới và trở thành nước duy nhất triển khai vũ khí siêu thanh.

Thế hệ vũ khí siêu thanh sẽ là mục tiêu của nhiều cường quốc quân sự trên thế giới
Thế hệ vũ khí siêu thanh sẽ là mục tiêu của nhiều cường quốc quân sự trên thế giới

Vũ khí bất khả chiến bại

Phát biểu tại một hội nghị của các tướng lĩnh Nga, ông Putin nói, lần đầu tiên trong lịch sử, Nga dẫn đầu thế giới về phát triển một loại vũ khí hoàn toàn mới, khác hẳn việc Nga phải bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực này trước đây.

Ông nêu rõ: Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô đã đi sau Mỹ trong việc thiết kế bom nguyên tử và chế tạo máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. “Giờ đây tình hình là họ đang tìm cách bắt kịp chúng ta, điều chưa từng có trong lịch sử hiện đại” - Tổng thống Nga nói. “Chưa một nước nào có vũ khí siêu thanh, chứ đừng nói vũ khí siêu thanh tầm liên lục địa”.

Theo Tổng thống Nga, đơn vị đầu tiên được trang bị động cơ đẩy siêu thanh Avangard sẽ được đưa vào phục vụ cuối tháng 12 này, còn tên lửa siêu thanh Kinzhal phóng từ mặt đất đã đi vào phục vụ. Ông Putin từng nhắc đến hai loại vũ khí này trong bài phát biểu thông điệp liên bang hồi tháng 3/2018.

Động cơ đẩy Avangard có tầm liên lục địa, có thể bay trong không gian với tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh. Nó có thể thay đổi cả đường bay và độ cao trên đường đến một mục tiêu, khiến kẻ thù không thể đánh chặn. “Đây là thứ vũ khí của tương lai, có thể thâm nhập cả vào các hệ thống phòng thủ tên lửa đang tồn tại và của tương lai” - ông phát biểu hôm 24/12.

Tên lửa Kinzhal trang bị cho máy bay phản lực chiến đấu MiG-31 đã được đưa vào các đơn vị không quân Nga từ năm 2018. Ông Putin cho biết, tên lửa này bay nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh, tầm bắn xa hơn 2.000km, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thường. Nó có thể bắn trúng cả mục tiêu trên mặt đất lẫn tàu hải quân.

“Không có tỷ số hòa”

Trong buổi nói chuyện với các tướng lĩnh, ông Putin miêu tả việc NATO củng cố lực lượng gần biên giới phía Tây của Nga, và việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung hồi đầu năm 2019 là những mối đe dọa an ninh hàng đầu.

Ông nhấn mạnh, Nga phải có những loại vũ khí tốt nhất trên thế giới. “Đó không phải là một cuộc đấu cờ mà có thể có tỷ số hòa. Công nghệ của chúng ta phải tốt hơn. Chúng ta có thể đạt được thành tựu đó tỏng các lĩnh vực chủ chốt và sẽ đạt được”.

Time dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng, năm nay quân đội đã nhận được 143 máy bay và trực thăng, 624 xe bọc thép, một tàu ngầm, 8 tàu nổi.

Ông nói, việc hiện đại hóa kho vũ khí của Nga sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh chóng trong năm 2020, với 22 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, 106 máy bay mới, 565 xe bọc thép, 3 tàu ngầm và 14 tàu nổi sẽ đi vào hoạt động.

Chính phủ Nga đã coi việc hiện đại hóa quân đội là một ưu tiên hàng đầu, nhất là sau khi Crưm sáp nhập vào Nga năm 2014.

Hãng tin AP dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov nói rằng, động cơ siêu thanh Avangard “tiêu tốn ít hơn hàng trăm lần so với những gì Mỹ đã chi cho chương trình phòng thủ tên lửa của họ”. Ông tiết lộ Nga bắt đầu phát triển Avangard từ sau năm 2002, khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Tên lửa Đạn đạo 1972 và bắt đầu phát triển.

Mỹ gấp rút bám đuổi

Mỹ và các nước khác cũng đã nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh nhưng chưa thành công. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, trong một phát biểu tháng Tám vừa qua, nói rằng có thể phải mất vài năm nữa Mỹ mới có loại vũ khí này và gọi việc phát triển tên lửa siêu thanh tầm xa là ưu tiên.

Vũ khí siêu thanh của Nga không xa lạ với Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, phía Nga đã trưng bày hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard cho một nhóm thanh tra Mỹ hồi tháng Chín vừa qua, với mong muốn đó là một nỗ lực để làm sống lại Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (New START) sẽ hết hạn vào năm 2021.

Trong khi Nga đã đưa ra mọi giấy tờ cần thiết để bắt đầu thảo luận việc kéo dài hiệp ước thì đến giờ Mỹ vẫn chưa trả lời các đề xuất của Nga và chưa rõ Mỹ có ý định kéo dài Hiệp ước này hay không.

Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông ở Vladivostok hồi tháng 9/2019 còn tiết lộ, ông đã chào hàng Tổng thống Mỹ Donald Trump các vũ khí siêu thanh của Mỹ. “Tôi đã nói với ông Donald Trump: Ông có muốn chúng tôi bán vũ khí siêu thanh cho ông không?

Và nhờ đó chúng ta sẽ cân bằng tất cả” - ông Putin nói khi được hỏi các vũ khí mới của Mỹ phù hợp với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện nay thế nào. Song trang RT của Nga nói rằng không rõ ông Putin có nghiêm túc với đề xuất của ông không, bởi Nga vốn rất miễn cưỡng bán vũ khí mới nhất ra nước ngoài.

Chiến lược Quốc phòng năm 2018 của Mỹ nhấn mạnh, vũ khí siêu thanh là chủ chốt để đảm bảo cho Mỹ có thể “đánh và thắng các cuộc chiến của tương lai”. Chính quyền Mỹ cũng đã nhiều lần cảnh báo Quốc hội về việc sẽ ngày càng khó dò tìm và bắn rụng tên lửa siêu thanh mà Nga và Trung Quốc đang phát triển.

Lần gần nhất Mỹ thử một mô hình máy bay siêu thanh là vào năm 2011, nhưng nó đâm xuống biển chỉ 3 phút sau khi phóng. Những năm qua Mỹ cũng đã thử các loại vũ khí siêu thanh và động cơ siêu thanh khác và từ năm 2007 Mỹ đã hợp tác với Australia để nghiên cứu máy bay siêu thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.