Nga vừa bắt tay vừa ngầm ra đòn phía sau OPEC

GD&TĐ - Nga đang dùng những giao dịch ngầm lách lệnh trừng phạt để tước đi thị phần dầu mỏ của OPEC, tức Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới.

Nga vừa bắt tay vừa ngầm ra đòn phía sau OPEC

Nga dùng giao dịch ngầm lách lệnh trừng phạt giá dầu

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp trong năm 2023.

Việc hợp nhất các quốc gia sản xuất đối mặt với những rủi ro và thách thức chưa từng có trước đây, với sự ra đi của một trong những thành viên châu Phi là Angola.

Hiện nay, hiệp hội này đã mất thị phần trên thị trường toàn cầu, nhưng theo các chuyên gia, đây sẽ không phải là dấu chấm hết của vấn đề.

Hãng tin Anh Reuters cho biết, sản lượng tổng hợp của 12 thành viên còn lại trong OPEC (trừ Angola) sẽ giảm xuống dưới 27 triệu thùng/ngày trong những tháng tới, chiếm chưa đến 30% tổng nguồn cung dầu thô cho thị trường toàn cầu là 102 triệu thùng/ngày.

Reuters tuyên bố, lý do cho điều này không chỉ là sự gia tăng sản lượng của các nhà sản xuất ngoài OPEC, mà phần lớn nguyên nhân đến từ Nga - quốc gia vốn đang ở ngã tư đường, trong “hai thế giới khác nhau”, khi vừa xuất chính thức khẩu dầu, vừa bị ngăn chặn vì các lệnh trừng phạt.

Hãng tin Anh khẳng định, Moscow là vấn đề chính của tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa, sự mất cân bằng giữa OPEC và các nước ngoài OPEC xảy ra do thị trường tiêu thụ quan trọng là châu Á đang phát triển mạnh, đã bị phủ kín bởi nguyên liệu thô từ Nga.

Moscow hiện đang giao dịch dầu thô theo cả 2 phương thức; giao dịch chính thức khi giá hàng hóa thấp hơn mức trần giá của G7 áp đặt (60 USD/thùng dầu thô), và không chính thức (giao dịch ngầm, với các lô trên ngưỡng mức giá trên), thông qua một loạt các biện pháp lách luật.

Loại giao dịch thứ hai này (phổ biến trên mức 80 USD/thùng) không được tính đến trong số liệu thống kê của OPEC+, đó là lý do tại sao giao dịch ngầm cạnh tranh hiệu quả với giao dịch chính thức và trớ trêu thay, nó lại đến từ cùng một nhà cung cấp là quốc gia thường xuyên nằm trong top 3 các nước đứng đầu sản lượng khai thác dầu thô là Nga.

Nga lấy thị trường châu Á của OPEC

Hiện nay, Ấn Độ được dự đoán sẽ thay thế Trung Quốc trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, chủ yếu do dân số tăng nhanh vượt qua Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của New Dehli dự kiến ​​sẽ chậm hơn nhiều so với Bắc Kinh, do nước này gần đây đã hỗ trợ sản xuất điện đốt than.

Tuy nhiên, sự tập trung của OPEC vào khu vực này là vô nghĩa, vì khu vực này đã bị đối thủ cạnh tranh trong OPEC+ là Nga “đánh chiếm”.

Các chuyên gia tin rằng, chừng nào các biện pháp trừng phạt và cấm vận đối với Moscow vẫn còn, và OPEC chuyển hướng các thùng dầu Trung Đông của mình sang thị trường châu Á, thì tình trạng mâu thuẫn nội bộ trong tổ chức là không thể giải quyết được.

Theo các chuyên gia năng lượng, lỗ hổng đối với việc tính toán hạn ngạch xuất khẩu của OPEC do không hạch toán chính xác được số thùng dầu của các nhà xuất khẩu Nga và các khách hàng sẵn sàng chấp nhận rủi ro để mua dầu giá rẻ của Nga sẽ khiến OPEC+ tiếp tục lao đao trong năm 2024.

Trong năm nay, Nga có thể sẽ tiếp tục “đánh chiếm” thị phần từ OPEC do lệnh cấm vận và giới hạn giá đối với nguồn cung đang diễn ra. Những hạn chế này chính là cái cớ để Moscow hành xử trái với thỏa thuận trước đó với OPEC+.

Bài viết của Reuters được công bố trong bối cảnh hồi tuần trước chính giới chức Moscow đã thừa nhận những lợi ích khổng lồ mà Nga đã có được khi bắt tay với OPEC cắt giảm sản lượng dầu, để kích thích giá dầu tăng lên.

Hồi tuần trước, người đứng đầu RDIF (Russian Direct Investment Fund, tức “Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga”) Kirill Dmitriev cho biết, lợi ích của Nga từ thỏa thuận OPEC+ (“Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng”) đã vượt quy mô tài sản bị phương Tây phong tỏa là 300 tỷ USD.

Người đứng đầu RDIF nhấn mạnh, thỏa thuận OPEC+ không những có thể được coi là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất đối với thế giới trong 20 năm qua, mà còn quan trọng đối với nguồn thu ngoại tệ của nước Nga, với hơn 30 nghìn tỷ rúp thêm vào cho ngân sách nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ