Theo ông Boginsky, phía Nga sẽ phát triển một số yếu tố, bao gồm hệ thống truyền động, cánh quạt đuôi và hệ thống chống đóng băng. Chiếc trực thăng này sẽ mất khoảng 13 năm để chế tạo.
Theo thỏa thuận liên chính phủ ký năm 2016, Công ty Trực thăng Nga và Công ty Avicopter của Trung Quốc sẽ cùng phát triển loại trực thăng hạng nặng tiên tiến AC332 AHL và bắt đầu sản xuất hàng loạt tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu tại thị trường nước này.
Trước đó, có thông tin cho rằng Avicopter sẽ là nhà phát triển chính, còn Công ty Trực thăng Nga sẽ thiết kế một số bộ phận quan trọng của chiếc trực thăng tương lai.
Phía Trung Quốc sẽ thực hiện toàn bộ việc tổ chức chương trình trực thăng hạng nặng, bao gồm thiết kế, chế tạo nguyên mẫu, thử nghiệm, chứng nhận, chuẩn bị và sản xuất hàng loạt, cũng như quảng bá trực thăng ra thị trường và điều phối tổng thể công việc. Trong khi đó công ty của Nga sẽ cung cấp công nghệ cũng như phát triển một đề xuất kỹ thuật và các hệ thống máy bay riêng lẻ trên cơ sở hợp đồng.
Trọng lượng cất cánh tối đa của trực thăng là 38,2 tấn, bay cao tối đa 5.700 mét. Phạm vi bay đạt 630km, tốc độ tối đa là 300km/h. Khả năng chuyên chở khi hàng hóa nằm bên trong thân máy bay sẽ là 10 tấn và lên đến 15 tấn khi hàng hóa được đặt dưới dạng tải trọng bên ngoài.