Bản ghi nhớ về việc hợp tác xây dựng Trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt trăng được ký kết giữa Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Tập đoàn Vũ trụ Quốc gia Nga (Roscosmos) được ký mới đây.
Theo đó, ILRS là “cơ sở thí nghiệm khoa học toàn diện với khả năng hoạt động lâu dài, xây dựng trên bề mặt hoặc quỹ đạo Mặt trăng và sẽ thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học đa ngành và đa mục tiêu như khám phá và sử dụng Mặt trăng, quan sát mặt trăng, thí nghiệm khoa học cơ bản và kiểm định kỹ thuật”.
Nói cách khác, căn cứ sẽ đủ tự túc để hoạt động mà không cần tiếp tế liên tục từ Trái đất. ILRS sẽ là điểm khởi đầu cho khoa học cơ bản, khám phá và sử dụng tài nguyên của Mặt trăng cũng như một bằng chứng về khái niệm cho các công nghệ cần thiết để duy trì sự sống của con người bên ngoài Trái đất.
Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Trung Quốc và Nga sẽ cùng hoạch định lộ trình xây dựng trạm, hợp tác chặt chẽ trong việc quy hoạch, luận chứng, thiết kế, nghiên cứu, thực hiện và vận hành trạm nghiên cứu, trên cơ sở kinh nghiệm hai bên đã tích lũy được trong lĩnh vực khoa học không gian, nghiên cứu phát triển và sử dụng thiết bị và công nghệ không gian.
Theo thông báo của Roscosmos, các đối tác quốc tế và các quốc gia quan tâm đều có thể sử dụng trạm vũ trụ này. Mặc dù vậy, Roscosmos không đưa ra mốc thời gian cụ thể về kế hoạch xây dựng trạm ILRS.
Dù là quốc gia đầu tiên đưa người lên trên vũ trụ (nhà du hành Yuri Gagarin của Liên Xô cũ) nhưng ngành hàng không vũ trụ của Nga lại đang tụt hậu hơn so với những cường quốc khác như Mỹ hay Trung Quốc.
Moscow và Washington vẫn duy trì việc hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đặc biệt là trong các nhiệm vụ tại Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) khi các phi hành gia Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác đều phải sử dụng tàu vũ trụ của Nga. Tuy nhiên, Tập đoàn công nghệ SpaceX của Mỹ mới đây đã thực hiện được sứ mệnh đưa người lên trạm ISS, qua đó lấy đi ưu thế độc tôn của Nga trong lĩnh vực này.
Tháng 12/2020, tàu vũ trụ Thường Nga 5 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống Mặt trăng, tiến hành nghiên cứu bề mặt Mặt trăng và thu thập mẫu đất đá. Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã chi hàng tỷ USD vào nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực này.
Trung Quốc hiện đang xem xét xây dựng một trạm nghiên cứu và tiến hành đưa con người lên Mặt trăng trong thời gian tới. Trước đó, tháng 1/2019, một thiết bị thăm dò vũ trụ của Trung Quốc đã thực hiện cuộc “hạ cánh mềm” đầu tiên xuống bề mặt tối của Mặt trăng và gửi về Trái đất thành công những bức ảnh đầu tiên ở đó.
Được biết, công nghệ, khoa học và ứng dụng trong không gian là những lĩnh vực Trung - Nga đang triển khai hợp tác. Hai nước từng ký các hiệp định hợp tác liên quan đến sứ mệnh thám hiểm các vùng cực trên Mặt trăng, cũng như hợp tác xây dựng Trung tâm dữ liệu chung về thám hiểm Mặt trăng và không gian sâu.