Trong cuộc điện đàm ngày 3/9, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã khẳng định với Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotarou Taniuchi rằng Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản, trong đó có răn đe hạt nhân sau hành động thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng.
Theo hiệp ước liên minh của Nhật Bản với Mỹ, Washington cam kết bảo vệ Tokyo và đặt Nhật Bản dưới "chiếc ô hạt nhân" của mình, có nghĩa Washington có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Nhật Bản.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano khẳng định vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên là "cực kỳ đáng tiếc" và "hoàn toàn thiếu tôn trọng" các yêu cầu liên tiếp của cộng đồng quốc tế.
Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố cho rằng Triều Tiên đang tạo ra "mối đe dọa nghiêm trọng" cho hòa bình và an ninh khu vực. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định cần phải lên án mạnh mẽ hành động thiếu tôn trọng mới nhất của Bình Nhưỡng đối với yêu cầu từ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, song điều cấp bách hiện nay là duy trì sự bình tĩnh và kiềm chế, không có thêm bất cứ hành động nào dẫn tới leo thang căng thẳng.
Cũng liên quan vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đáp trả một cách "thực sự kiên quyết" trước việc Triều Tiên thử hạt nhân. Trong một tuyên bố, ông Macron khẳng định: "Cộng đồng quốc tế phải thực sự kiên quyết trong việc đối phó với hành vi khiêu khích mới nhất này", đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "nhanh chóng hành động" trước vụ việc.
Trước đó cùng ngày, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom H. Theo Đài truyền hình trung ương Triều Tiên, vụ thử trên được tiến hành theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.